HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6

1-6-2017 là một ngày đặc biệt đối với trẻ em Việt Nam. Vì đây là Ngày Quốc tế thiếu nhi, đồng thời cũng là ngày Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực thi hành. Luật Trẻ em năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5-4-2016. So với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành, Luật Trẻ em năm 2016 có nhiều điểm mới. Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc về 2 điểm mới nổi bật trong Luật Trẻ em năm 2016.

Thứ nhất là việc đăng hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội phải được sự đồng ý của trẻ. Cụ thể, tại Khoản 11, Điều 6 của luật này có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như sau: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Thứ hai là trẻ em được tham gia vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trẻ. Cụ thể, về quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, Điều 30 quy định như sau: Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

So với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành, Luật Trẻ em năm 2016 có nhiều điểm mới. Trong ảnh, học sinh Trường tiểu học Tân Bình B (Đồng Xoài) vui chơi thư giãn – Ảnh: K.B

Về quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, Điều 33 quy định: Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

Về quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp, Điều 34 nêu rõ: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

Không những tăng thêm quyền mà trong luật mới còn quy định cụ thể về bổn phận của trẻ em. Về bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác, Điều 38 có quy định: Tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác. Thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè. Rèn luyện đạo đức, ý thức tự học, thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác. Giữ gìn, bảo vệ tài sản và chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác.

Về bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội, Điều 39 quy định như sau: Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi; quan tâm, giúp đỡ người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với khả năng, sức khỏe, độ tuổi của mình. Tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm của người khác; chấp hành quy định về an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ, giữ gìn, sử dụng tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường phù hợp với khả năng và độ tuổi của trẻ em. Phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật.

Về bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước, Điều 40 có ghi: Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng truyền thống lịch sử dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước. Tuân thủ và chấp hành pháp luật; đoàn kết, hợp tác, giao lưu với bạn bè, trẻ em quốc tế phù hợp với độ tuổi và từng giai đoạn phát triển của trẻ em.

Về bổn phận của trẻ em với bản thân, Điều 41 quy định: Có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân. Sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể. Chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang. Không đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác. Không sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : chống bạo lựckhiêm tốn; giữ gìn vệ sinhngày quốc tế thiếu nhirèn luyện thân thSống trung thực

Các tin liên quan đến bài viết