Khi các nước khát vaccine chống Covid-19, Pfizer nắm trong tay quyền lực cực lớn. CEO Albert Bourla trở thành VIP ngang tầm các chính trị gia hàng đầu thế giới.

Theo Bloomberg, hôm 10/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đích thân tới sân bay quốc tế Ben Gurion để tiếp nhận lô hàng 700.000 liều vaccine chống Covid-19 từ Pfizer.

“Đây là một ngày tuyệt vời đối với Israel. Lô hàng khổng lồ đã tới nơi”, ông Netanyahu tuyên bố. “Tôi và người bạn của mình – Chủ tịch kiêm CEO Pfizer Albert Bourla – nhất trí rằng các lô vaccine sẽ được chuyển đến liên tục để hoàn thành tiêm chủng cho những người trên 16 tuổi ở Israel trong tháng 3”, ông nói thêm.

Khi dịch Covid-19 lây lan ở Israel, vaccine của Pfizer trở thành tia hy vọng của Thủ tướng Netanyahu. Ông khẳng định 72% người Israel trên 60 tuổi đã được tiêm chủng nhờ vào thỏa thuận với CEO Bourla. Theo thỏa thuận, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer được chuyển đến thử nghiệm ở Israel.

Năm ngày sau khi Israel đón tin vui, Pfizer thông báo sẽ cắt nguồn cung trước mắt với các quốc gia bên ngoài Mỹ. Cơ sở sản xuất vaccine tại Bỉ bị đóng cửa để nâng cấp.

Phan phoi vaccine anh 2

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đón lô hàng 700.000 liều vaccine từ Pfizer hôm 10/1.

“Chúng tôi cực kỳ phẫn nộ”

Sự hoảng loạn và phẫn nộ bùng lên ở khắp các thủ đô trên thế giới. Italy – quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất – đang nóng lòng chờ lô hàng mới của Pfizer. Quốc gia này thực hiện chương trình tiêm chủng hàng loạt và là nước tiêm chủng cho nhiều người nhất tại Liên minh châu Âu.

Ông Domenico Arcuri – quan chức phụ trách ứng phó cuộc khủng hoảng Covid-19 của chính phủ Italy – chỉ trích việc Pfizer cắt giảm gần 30% lô hàng ngay vào thời điểm Italy chuẩn bị tiêm chủng cho các công dân trên 80 tuổi. Ông cảnh báo chính phủ Italy có thể kiện Pfizer.

Vài ngày sau cảnh báo của ông Arcuri, Pfizer bắt đầu chuyển hàng triệu liều vaccine đến Israel. Trong vòng một tuần, Israel mở rộng triển khai cho các công dân từ 16 đến 18 tuổi.

“Chúng tôi cực kỳ phẫn nộ”, ông Luca Zaia, Thống đốc vùng Veneto – một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Italy – bức xúc nói. Theo ông Zaia, nguồn cung vaccine của khu vực đã bị cắt giảm 53% trong vòng một tuần.

Pfizer chật vật phân phối vaccine khi nhu cầu vượt xa nguồn cung. Bloomberg nhận định hãng dược phẩm Mỹ đã thực hiện một quy trình phân phối vaccine “mập mờ”. “Các nước đều muốn giao hàng trong quý đầu tiên. Chúng tôi đang cố gắng thảo luận và đàm phán để phân phối vaccine một cách bình đẳng”, CEO Pfizer giải thích.

Các quốc gia chưa đặt hàng tranh nhau đặt hàng. Trong khi đó, những quốc gia đã đặt hàng rồi lại muốn đặt thêm. “Đó là một cuộc thương lượng kéo dài. Tất cả đều muốn có vaccine sớm hơn”, ông Bourla phân trần. Tuy nhiên, ông khẳng định thỏa thuận với Israel không ảnh hưởng đến các lô hàng ở những quốc gia khác.

Phan phoi vaccine anh 3

CEO Pfizer Albert Bourla.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Thủ tướng Israel Netanyahu đề nghị trả Pfizer khoảng 30 USD/liều, cao hơn khoảng 50% so với chính phủ Mỹ. Ông cũng đồng ý chia sẻ dữ liệu toàn quốc về vaccine. Đến ngày 22/2, Israel đã tiêm những liều vaccine đầu tiên cho 47% dân số. Trong khi đó, chỉ 3,6% công dân Italy được tiêm mũi đầu tiên.

Đó là một cuộc thương lượng kéo dài. Tất cả đều muốn có vaccine sớm hơn – Chủ tịch kiêm CEO Pfizer Albert Bourla

Ông Bourla khẳng định thỏa thuận với Israel đã cung cấp dữ liệu cho công ty. Những thông tin này sẽ thay đổi hiểu biết của thế giới về cách chấm dứt đại dịch.

“Họ cố gắng khai thác thông tin khoa học mà cả thế giới đang chờ đợi. Chúng tôi sẽ sớm nhận được dữ liệu về lây nhiễm có và không có triệu chứng”, ông nói thêm. Hôm 24/2, Israel công bố thông tin vaccine đạt hiệu quả 94% trên 600.000 người được tiêm chủng.

Trong những tháng qua, theo Bloomberg, ông Bourla đã đảm nhận vai trò của một chính khách. Ông điện đàm với nhiều nguyên thủ quốc gia, bao gồm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Hồi tháng 1, ông Netanyahu tiết lộ đã trao đổi 17 lần với ông Bourla. CEO Pfizer thậm chí còn nhận được cuộc gọi lúc 2h sáng.

Pfizer đã cung cấp 95 triệu liều vaccine trên toàn cầu. Kế hoạch sản xuất vaccine của công ty là một trong những kế hoạch tham vọng bậc nhất lịch sử. Đó là sản xuất 2 tỷ liều vào năm 2021. Pfizer cũng hy vọng vaccine sẽ tạo ra ít nhất 15 tỷ USD doanh thu trong năm 2021.

Không có bất cứ quy tắc nào đối với một công ty toàn cầu trong bối cảnh đại dịch. Pfizer tung hàng loạt sản phẩm ra thị trường, trong khi khách hàng giành giật và sẵn sàng trả mọi mức giá. Hãng dược Mỹ thực tế cũng không bị ràng buộc bởi sứ mệnh phục vụ sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là vì sao một công ty có thể nắm giữ quyền lực lớn lao đến vậy.

Quyền lực quá lớn

Pfizer từ lâu đã rất tự tin. Công ty bắt đầu tiếp thị vaccine từ hồi tháng 5, ngay sau khi triển khai thử nghiệm an toàn. “Chúng tôi thảo luận với mọi lục địa trên thế giới”, ông Bourla chia sẻ. Anh là nước đầu tiên thực hiện thỏa thuận mua 30 triệu liều hôm 20/7, sau đó tăng lên 40 triệu liều.

Theo thỏa thuận, các lô hàng sẽ được giao trong năm 2020 và 2021. Hai ngày sau thỏa thuận với Anh, Pfizer công bố đơn đặt hàng trị giá 1,95 tỷ USD từ Chiến dịch Warp Speed (OWS) của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Moderna nhận 2,48 tỷ USD từ chính phủ Mỹ, bao gồm chi phí phát triển, sản xuất và thanh toán 100 triệu liều. Trái lại, Pfizer đã tự chi 2 tỷ USD để phát triển vaccine, sau đó bán cho chính quyền Washington với giá hơn 19,5 USD/liều, theo nguồn tin của Bloomberg.

Trong khi đó, tại châu Âu, Pfizer và BioNTech hét giá 54 euro/liều (65 USD) hồi mùa hè năm 2020. Theo ông Ugur Sahin, nhà đồng sáng lập BioNTech, giá ban đầu dựa trên những tính toán sơ bộ về chi phí sản xuất. Sau đó, họ quyết định đưa ra mức giá 15-30 euro/liều cho “các nước công nghiệp” tùy vào quy mô đơn hàng.

Theo Bloomberg, Pfizer có thể phát triển nhanh hơn nhờ không phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ. Chưa đầy một tuần sau khi ký hợp đồng với chính quyền Mỹ, Pfizer bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Moderna bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối vào cùng ngày với Pfizer. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các mũi của Moderna (28 ngày) dài hơn Pfizer (21 ngày).

Phan phoi vaccine anh 4

Israel tổ chức tiêm chủng nhanh chóng. 

Các đơn đặt hàng vẫn tiếp tục tăng lên. Vài ngày sau khi Pfizer bắt đầu thử nghiệm, Nhật Bản đã đặt 120 triệu liều vaccine, giao trong nửa đầu năm 2021. Đến đầu tháng 8, Canada đạt thỏa thuận với Pfizer.

Vào đầu tháng 9, hãng dược Mỹ cho biết “có khả năng cung cấp” cho Liên minh châu Âu (EU) 300 triệu liều. Tuy nhiên, khối này vẫn chưa hoàn thành thỏa thuận. Qatar cũng đặt hàng vài ngày sau đó.

Pfizer cũng thúc giục chính phủ Mỹ đặt hàng thêm 100 triệu liều. Tuy nhiên, các quan chức OWS vẫn cảnh giác. Theo một số cựu quan chức chính quyền cấp cao, công ty đã không đạt được mục tiêu sản xuất trong tháng 11 và không rõ lý do.

Nguồn cung vaccine Pfizer là một thách thức toàn cầu. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận với các đại diện của Pfizer trong khu vực”, ông Amer Sharif

Sau cuộc bầu cử của Mỹ hồi tháng 11/2020, Pfizer công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối. Theo đó, vaccine đạt hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng Covid-19. Tuy nhiên, một tin xấu đi kèm theo. Pfizer cảnh báo rằng hãng chỉ có thể sản xuất 50 triệu liều trên toàn thế giới tính đến cuối năm, thay vì 100 triệu liều như dự kiến.

Anh – quốc gia đầu tiên cho phép tiêm vaccine hôm 2/12 – dự kiến 10 triệu liều vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nước này chỉ đạt khoảng 50%.

Bất chấp những thách thức về nguồn cung, hồi cuối năm 2020, Pfizer đồng ý cung cấp thêm 100 triệu liều cho Mỹ. Các quan chức chính phủ cũng đồng ý trao cho công ty quyền ưu tiên theo Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA).

Vào cuối tháng 12, một loạt nguồn tin tiết lộ Pfizer đã ký hợp đồng bán hàng triệu liều vaccine cho các quốc gia Trung Đông. Dubai (UAE) nhận những liều đầu tiên từ Bỉ và tuyên bố sẽ tiêm vaccine Pfizer cho 70% trên tổng số 3,3 triệu người dân.

Các quan chức Saudi Arabia tiết lộ đang chờ 3 triệu liều vaccine Pfizer. Trong đó, 1 triệu liều sẽ được giao vào tháng 2. Oman cũng đặt hàng 370.000 triệu liều, trả 30 USD/liều cho các lô hàng giao vào tháng 12 và 24 USD/liều đối với những lô sau đó.

Liên tục thất hứa

Khi ông Bourla lên nắm quyền ở Pfizer hồi tháng 1/2019, nhiệm vụ của ông là dẫn dắt công ty tập trung vào các loại thuốc quan trọng và chống lại chính quyền ông Trump trong cuộc chiến giá thuốc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 buộc ông Bourla phải chuyển mục tiêu. Cái bắt tay giữa Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức đã giúp hãng dược Mỹ trở thành người hùng trong đại dịch. Ván cược của ông Bourla vào công nghệ mới đã được đền đáp.

Các quốc gia bị cuốn vào cuộc đua tranh giành vaccine trên toàn cầu. Hôm 8/1, EU tiết lộ đã mua thêm 300 triệu liều vaccine Pfizer, tăng gấp đôi đơn đặt hàng. Một tuần sau, Pfizer thông báo cắt giảm nguồn cung và ngừng hoạt động nhà máy ở Bỉ. Công ty cũng hoãn giao hàng cho Canada.

Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, Thủ tướng Trudeau đồng ý nhận vaccine từ Covax – chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập thấp. Canada là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 nhận vaccine của Covax.

Các lô hàng đến Bahrain, Dubai và Saudi Araibia cũng bị giao chậm. “Nguồn cung vaccine Pfizer là một thách thức toàn cầu. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận với các đại diện của Pfizer trong khu vực”, ông Amer Sharif, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch Covid-19 của Dubai, chia sẻ.

“Những gì mà một CEO cần làm là chốt đơn đặt hàng sớm, thậm chí tăng giá bán đối với các quốc gia có khả năng chi trả nhiều hơn”, Hãng tin Bloomberg

Mexico – quốc gia có số ca nhiễm tăng mạnh và số trường hợp tử vong cao thứ ba thế giới – bị ảnh hưởng mạnh vì nguồn cung hạn chế từ Pfizer. Sau khi đồng ý mua 34 triệu liều vaccine Pfizer hồi đầu tháng 12, nước này bắt đầu tiêm chủng vào cuối tháng 12.

Bộ trưởng Ngoại giao Mexicao Marcelo Ebrard chỉ trích Pfizer giữ các liều vaccine “đã được thỏa thuận và trả tiền”.

Cả thế giới đang nóng lòng chờ đợi Pfizer trang bị lại cơ sở vật chất. Năm ngoái, công ty thuê thêm hàng trăm nhân viên, nâng tổng số nhân viên lên 3.000 người. Tuy nhiên, điều đó vẫn không đủ để theo kịp số lượng đơn hàng đang tăng mạnh.

“Đó là câu hỏi về sự sống và cái chết. Đó là câu hỏi về nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu sẽ luôn luôn tăng lên”, ông Bourla bình luận.

Tại Rome, việc Pfizer cắt giảm nguồn cung cũng khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine cho những người trên 80 tuổi bị trì hoãn. Ông Salvatore Parisi, 94 tuổi, một thư ký tòa án ở Rome đã nghỉ hưu, chỉ dám ở nhà cho đến cuộc hẹn ngày 3/4 tại bệnh viện để tiêm mũi vaccine Pfizer đầu tiên. Liều thứ hai dự kiến ​​vào ngày 24/4.

Ông Parisi hy vọng các liều vaccine sẽ đến sớm hơn. “Chúng tôi gọi điện mỗi tuần. Luôn là câu hỏi: ‘Có gì mới không?’ và câu trả lời: ‘Vẫn chưa'”, ông kể lại. “Tôi vừa lo sợ, vừa tức giận. Tôi vẫn đang đợi cuộc gọi từ bác sĩ”, ông nói thêm.

Người hùng hay kẻ trục lợi

EU đang phát triển chiến dịch nhằm triển khai tiêm vaccine cho 27 quốc gia thành viên. Khi Pfizer cắt giảm nguồn cung hồi tháng 1, thỏa thuận giữa hãng dược Mỹ và EU bị ảnh hưởng, thổi bùng sự phẫn nộ với nhà sản xuất thuốc. Theo phát ngôn viên của Pfizer, việc cắt giảm nhằm cải tạo lại nhà máy ở Bỉ giúp “gia tăng sản lượng đáng kể” vào tháng 3.

Theo cảnh báo của các quan chức y tế cộng đồng, thỏa thuận giữa những nước giàu và các công ty như Pfizer sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vaccine của những nước nghèo hơn.

Hồi tháng 1, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus lên tiếng chỉ trích những thỏa thuận song phương và kêu gọi các nước có thu nhập cao chia sẻ vaccine. Ông cảnh báo thế giới “đang trên bờ vực của một sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức”.

Mãi đến cuối tháng đó, ông Bourla mới công bố thỏa thuận với Covax. Thỏa thuận 40 triệu liều vaccine chiếm chưa đến 2% sản lượng dự kiến ​​năm 2021 của Pfizer. Trong khi đó, các nhà phát triển vaccine khác cung cấp nhiều hơn.

AstraZeneca cam kết cung cấp 170 triệu liều vaccine, trong khi Serum Institute of India Pvt Ltd. đồng ý trao 1,1 tỷ liều. Covax cũng đang hoàn thiện các cam kết cho hàng trăm triệu liều bổ sung từ Johnson & Johnson và Novavax.

Dĩ nhiên, ông Bourla không điều hành một cơ quan y tế công cộng. Ông ta phải làm hài lòng các cổ đông của Pfizer. Những gì mà một CEO cần làm là chốt đơn đặt hàng sớm, thậm chí tăng giá bán đối với các quốc gia có khả năng chi trả nhiều hơn. Pfizer tiết lộ ​​tỷ suất lợi nhuận ban đầu dự kiến trong khoảng 25-30%. Đây là mức cao đối với vaccine.

Phan phoi vaccine anh 5

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm nhà máy Pfizer ở Michigan. .

AstraZeneca đã ký hàng chục thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, hãng này hứa không kiếm lời trong thời kỳ đại dịch. Một liều vaccine của AstraZeneca chỉ có giá khoảng vài USD. Theo Bloomberg, loại vaccine mới được cấp phép của Johnson & Johnson có thể là đối thủ đáng gờm của Pfizer. Đây là vaccine có hiệu quả cao, yêu cầu bảo quản đơn giản và chỉ cần một liều duy nhất.

Hồi cuối tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm nhà máy Pfizer ở Michigan. Ông chủ Nhà Trắng trấn an công chúng rằng chính quyền đang làm hết sức để mọi người được tiêm chủng. Pfizer cũng đang tiếp tục tăng cường sản xuất. Công ty dự kiến ​​có thể xuất xưởng 13 triệu liều/tuần vào giữa tháng 3. Hồi tháng 2, con số chỉ là 4-5 triệu liều/tuần.

Ban lãnh đạo của Pfizer dự kiến tăng giá vaccine sau khi đại dịch kết thúc. Theo Giám đốc tài chính Frank D’Amelio, giá vaccine thường từ 150 USD đến 170 USD/liều.

“Từ vaccine chống đại dịch, vaccine Covid-19 sẽ trở thành một loại hình kinh doanh vaccine thông thường. Và Pfizer sẽ có lợi thế rất lớn. Chúng ta không chỉ sở hữu sức mạnh dữ liệu mà còn đã phát triển giá trị thương hiệu đáng kể và niềm tin với mọi người”, ông Bourla khẳng định với các cổ đông trong cuộc họp gần đây.

Tình trạng thiếu hụt cuối cùng cũng sẽ giảm dần. Cho đến lúc đó, ông Bourla có một vị thế lạ lùng. Ông ta là một vị cứu tinh trong bối cảnh đại dịch, là nhà lãnh đạo táo bạo của một công ty lớn. Thế nhưng, ông Bourla cũng đã hết lần này đến lần khác thất hứa.

“Khi nguồn cung tăng lên, mọi người sẽ thấy bớt khó khăn. Nhưng những quyết định của ông Bourla trong thời điểm khó khăn nhất sẽ được ghi nhớ”, Bloomberg viết. “Thế giới cần những giải pháp tốt hơn trước khi cuộc khủng hoảng y tế công cộng tiếp theo xảy ra”, hãng tin nhấn mạnh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chống covid-19IsreaelPfizerquyền lựcvắc xinvacccine

Các tin liên quan đến bài viết