Đối với nhiệm vụ “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” trong nhiệm kỳ 2021-2025, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội… Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật

Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta đã xác định một nhiệm vụ rất mới, đó là “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”. Như chúng ta đã biết, dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống tốt đẹp và vô cùng quý giá mà không phải quốc gia nào trên thế giới này có được. Những truyền thống đó là: Yêu nước, yêu quê hương, làng xóm sâu sắc, có tinh thần dũng cảm, quật cường, sẵn sàng xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; Sống có nghĩa, có tình, thủy chung và đôn hậu; Cần cù, chịu khó, chịu khổ, luôn lạc quan,… Và với truyền thống yêu nước thì không một dân tộc nào trên trái đất này có thể sánh cùng dân tộc Việt Nam.

Trần Văn Duy, chủ tài khoản Facebook Hà Nội Phố bị phạt 12,5 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật. (Nguồn: Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội)

Nhưng do tâm lý văn hóa tiểu nông hàng ngàn đời ăn sâu vào máu và bị ảnh hưởng những mặt trái của cơ chế thị trường nên người Việt hiện nay đã và đang bộc lộ không ít hạn chế cần phải khắc phục. Và trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến một trong những thói quen hay nói đúng hơn là tật xấu của người Việt – thói a dua. Theo từ điển tiếng Việt do các tác giả Vĩnh Lộc, Bảo Đoan, Ngọc Hạnh và Quỳnh Tâm biên soạn và Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2000, thì a dua: (1) Theo hùa với ai, nịnh hót. Ví dụ: Thói a dua, người hay a dua; (2) làm theo, bắt chước do dại dột, mù quáng hoặc do dụng ý không tốt. Ví dụ: Mày chỉ được thói a dua. Như vậy, thói a dua ở đây được hiểu là hùa theo, bắt chước… Và lẽ tất nhiên chỉ hùa theo cái xấu, cái tiêu cực, sai trái thì mới được gọi là a dua.

Bệnh a dua không phải mới xuất hiện gần đây, mà nó đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử. Với xã hội hiện đại ngày nay và trước sự nhiễu loạn của truyền thông, nhất là mạng xã hội thì căn bệnh a dua ngày càng trở nên trầm trọng. Rõ nhất là tình trạng trong khi đại đa số người dân luôn tích cực lao động, học tập, tìm tòi, sáng tạo để vượt khó vươn lên trong cuộc sống thì có một bộ phận không chịu động não mà a dua, học đòi, chạy theo những lối suy nghĩ, mốt làm ăn, phong cách sống mà họ cho đó là “thời thượng”. Đặc biệt trong giới trẻ hiện nay, a dua là thói bắt chước, đua đòi theo những giọng điệu, những trào lưu, những phong cách sống lai căng, quái dị, ngày càng rõ nét. Đặc biệt và nguy hại hơn là thói a dua trong phát ngôn đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

A dua và những hệ lụy

Điều đáng ngại nhất không chỉ đơn giản là nói cho sướng miệng, mà là tình trạng phát ngôn bừa bãi, tung tin thất thiệt, bóp méo sự thật, vu khống, đặt điều nhằm ý đồ xấu, hoặc xuất phát bởi động cơ cá nhân, sự ích kỷ trong lối sống… Tình trạng này càng trở nên nguy hiểm khi không ít người mắc bệnh a dua, hùa theo những phát ngôn bừa bãi ấy. Cụ thể là báo điện tử Dubai Sports tối 16-6-2021 đưa tin, trang facebook của trọng tài người Iraq Ali Sabah Al-Qaysi bị các cổ động viên Việt Nam tấn công dữ dội sau trận đấu giữa UAE với Việt Nam. Trọng tài đã phải tạm thời khóa tài khoản facebook. Lý do là sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thất bại 2-3 trước UAE ở vòng loại World Cup 2022, rất nhiều cổ động viên Việt Nam truy tìm và “khủng bố” trang facebook của trọng tài người Iraq Ali Sabah Adday Al-Qaysi. Rất nhiều người chỉ trích ông Ali Sabah Adday Al-Qaysi “bắt ép” Việt Nam. Tức giận vì điều này, rất nhiều người gửi tin nhắn và bình luận trên facebook của trọng tài này bằng những lời lẽ thiếu chuẩn mực về văn hóa và đạo đức.

Và trước sự bùng phát của dịch Covid-19, có một thứ cũng bùng phát theo, đó là nạn tin giả trên mạng xã hội. Theo thống kê hơn 2 tháng qua, công an cả nước đã mời khoảng 700 đối tượng có liên quan đến việc đăng tin giả, tin sai sự thật lên làm việc và xử phạt khoảng 300 đối tượng vì hành vi ăn theo – chia sẻ, bình luận sai trái. Riêng tỉnh Hà Giang có hơn 10 đối tượng vi phạm bị xử phạt nghiêm, được dư luận đồng tình. Thế nhưng, nạn tin giả dường như vẫn chưa chịu lắng xuống, vẫn còn không ít người nhiễm căn bệnh mang tên thích sống “oai”, sống ảo với tin giả. Thậm chí có không ít vụ việc mà từ thói quen a dua của người sử dụng mạng xã hội đã bị đẩy lên một giới hạn cực nóng. Chính vì thế, mỗi khi facebook đăng có một vụ đánh ghen ở một khu dân cư, ngay lập tức sẽ diễn ra một cuộc bình luận đám đông, chia sẻ, thích và đủ mọi thông tin xung quanh các vụ việc. Và căn bệnh này sẽ càng trở nên nguy hiểm khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động, mua chuộc, lôi kéo tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Lan tỏa quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Theo quy tắc này, khi sử dụng mạng xã hội phải sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia sử dụng mạng xã hội… Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật;… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội….

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước ngoài việc thực hiện nội dung nêu trên, còn phải thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội. Đồng thời, có trách nhiệm thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đối với các cơ quan nhà nước, ngoài việc thực hiện tốt nội dung của quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân thì còn phải có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản của cơ quan, tổ chức bị mất quyền kiềm soát hoặc bị giả mạo.

Vẫn biết rằng, bộ quy tắc này không hề mang tính bắt buộc mà chỉ đặt ra quy tắc chung nhất hướng người dân đến việc sử dụng mạng xã hội trên tinh thần trách nhiệm, văn minh, tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, không phải vì đây chỉ là khuyến nghị nên người vi phạm sẽ không bị xử lý. Vì có nhiều hành vi được khuyến cáo trong bộ quy tắc này đã có chế tài xử phạt hành chính. Theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…, sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… Vì vậy, mục đích của bộ quy tắc này là nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh ở Việt Nam.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : Văn hóa ứng xử

Các tin liên quan đến bài viết