Như phần trước đã nêu, sự “trì trệ”, chậm chạp đã bén rễ ở rất nhiều lĩnh vực, mà công tác cán bộ, đặc biệt là khâu quy hoạch cán bộ, cũng không phải là ngoại lệ.

Không dám chịu trách nhiệm

Mặt tích cực của công tác quy hoạch cán bộ có rất nhiều, nhất là công bố danh sách cán bộ được quy hoạch sớm, như có đủ thời gian để bồi dưỡng, đào tạo thêm về kiến thức, kỹ năng quản trị quốc gia, quản lý ngành; có đủ thời gian để thực hiện việc luân chuyển cán bộ…

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, vẫn tồn tại một số mặt gây trì trệ. Chỉ tính từ khi công bố danh sách cán bộ được quy hoạch thường có những mặt chưa ổn sau đây:

Một bộ phận cán bộ được quy hoạch tìm mọi cách bảo vệ sự “an toàn” cho bản thân nhằm tránh “nhỡ may”. Giữ “an toàn” bằng việc tránh xa tham nhũng, tiêu cực là điều tốt, cần khuyến khích, nhưng giữ “an toàn” cho bản thân bằng việc cố né tránh, trì hoãn việc ban hành các quyết định điều hành nhằm tránh “rủi ro” là điều đáng phê phán.

Cán bộ đối mặt với không ít rủi ro cho bản thân khi đưa ra các quyết định điều hành là chuyện có thật và là chuyện bình thường. Cuộc sống đã chứng minh, người càng làm được nhiều việc thì càng mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm và ngược lại.

Nhưng “sợ trách nhiệm”, “sợ rủi ro” mà “né tránh, trì hoãn…” trong việc đưa ra các quyết định điều hành, gây hại cho dân, cho nước lại là chuyện khác. Điều đáng nói thêm là bệnh “sợ trách nhiệm” đã thành “nguy cơ” như Thủ tướng cảnh báo. Từ đó, ai cũng có thể rút ra kết luận: Hành vi “né tránh, trì hoãn…” vừa nêu chính là một chủng loại cụ thể khác nữa của con “virus trì trệ”.

Quy hoạch cán bộ cũng tạo ra trì trệ
Cán bộ đối mặt với không ít rủi ro cho bản thân khi đưa ra các quyết định điều hành là chuyện có thật và là chuyện bình thường.

Hơn nữa, một bộ phận trong số những người không được đưa vào danh sách quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo do hết tuổi; hết nhiệm kỳ… thường có tâm lý buông xuôi. Họ không dại gì mà dám nghĩ, dám làm và nhất là dám chịu trách nhiệm như trước vì nhỡ đâu đến chữ “nguyên” cũng không còn.

Bên cạnh đó, các quyết định điều hành được các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra theo các quy định, quy trình khá chặt chẽ. Điều đó là cần thiết. Nhưng có nhận xét chung là “quy trình” vốn khá phức tạp, không cần thiết đến như vậy, làm mất quá nhiều thời gian, công sức của các cơ quan… vẫn tồn tại. Nhiều quy trình cụ thể không còn thích hợp trong tình hình mới, nhưng chậm sửa đổi.

Đã là “quy trình còn hiệu lực pháp luật” thì mọi người phải chấp hành. Thậm chí, có ai đó, để được việc, bỏ qua một vài khía cạnh của quy trình, còn có thể bị kết tội “cố ý làm trái”. “Quy trình”, chẳng khác gì sợi dây thừng trói chặt chân tay của những người thực hiện nhiệm vụ ra quyết định điều hành một cách kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Minh định chức năng và thẩm quyền

Từ lâu Đảng đã xác định định hướng tổ chức lại hệ thống quản trị quốc gia là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp lại không minh định về chức năng, thẩm quyền của “lãnh đạo” và “quản lý”.

“Lãnh đạo”, theo định nghĩa ghi trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, là “đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện”. Còn Nhà nước quản lý hay quản lý nhà nước bao gồm hoạt động lập pháp của cơ quan lập pháp, hoạt động hành pháp của Chính phủ và hoạt động tư pháp của cơ quan tư pháp.

Trong khi đó, trong cuộc sống không phải ở đâu và lúc nào cũng diễn ra như định nghĩa của từ điển, mà trong nhiều trường hợp tình trạng lẫn lộn giữa “lãnh đạo” và “quản lý” ngày càng nhiều hơn.

Một văn bản điều hành cơ quan trình phải thông qua nhiều nơi. Chẳng hạn, ở cấp Trung ương thì có nghị quyết, quyết định, chỉ thị về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm, và về nhiều các lĩnh vực phát triển khác. Đó là chủ trương, đường lối để phát triển.

Vấn đề đặt ra là, do nhiều nguyên nhân, nội dung rất nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị lại mang tính chất “điều hành”, giống hoàn toàn như văn bản điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Lấy ví dụ, báo cáo của Chính phủ (Ủy ban nhân dân) về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phân bổ ngân sách hàng năm trình Ban chấp hành Trung ương và trình Quốc hội thường có nội dung y hệt, có khác chăng chỉ là một số chi tiết như nơi gửi, nơi nhận; ngày, tháng, năm…

Chỉ một văn bản điều hành, cơ quan trình phải mất thời gian thông qua nhiều nơi chính là làm mất thêm thời gian, công sức của rất nhiều người.

“Xin ý kiến chỉ đạo” đã trở thành “vấn nạn”. Kể từ Đổi mới, Đảng và Nhà nước từng bước thực hiện việc xóa bỏ tình trạng tập trung quá mức và gắn liền với nó là thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính. Đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong không ít trường hợp việc phân cấp, phân quyền này vẫn còn “nằm trên giấy”.

Đây là nguyên nhân rất quan trọng gây ra sự trì trệ trong quản lý phát triển đất nước vì đã phân cấp, phân quyền nhưng khi thực hiện “quyền được phân” vẫn phải xin ý kiến theo quy định. Ở cả trung ương lẫn địa phương danh mục những vấn đề phải xin ý kiến còn quá dài.

Mặc khác, trên thực tế, để giảm bớt rủi ro, để yên tâm hơn trong việc ra các quyết định điều hành, vô số trường hợp người ta thực hiện việc “xin ý kiến” hết sức tràn lan với rất nhiều nội dung không nằm trong danh mục phải xin ý kiến.

Mà để nhận được câu trả lời thì mất hàng tháng, hàng năm, làm doanh nghiệp và người dân dài cổ ra chờ đợi, không ít lần lỡ mất cơ hội phát triển.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : quy hoạch cán bộTrì Trệ

Các tin liên quan đến bài viết