Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) là nguồn lực hỗ trợ tích cực nhà nông đầu tư phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp. Hàng trăm hộ nông dân được vay vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ ngày càng phát triển.

ĐIỂM TỰA CỦA HỘ NGHÈO

Gia đình chị Trần Thị Thủy đến ấp 7, xã Tân Lập (Đồng Phú) lập nghiệp cách đây hơn 20 năm. Thiếu vốn, kiến thức, kỹ thuật sản xuất là điều mà chị Thủy cũng như nhiều hộ vùng kinh tế mới gặp phải. “Đến khi tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ HTND Hội Nông dân huyện Đồng Phú, người dân mới có điều kiện phát triển sản xuất, bởi bà con vừa được vay vốn vừa tham gia tập huấn kỹ thuật, tìm hiểu cách thức làm kinh tế…” – chị Thủy chia sẻ. Bằng số vốn vay 60 triệu đồng từ Quỹ HTND Trung ương và Hội Nông dân huyện tạo điều kiện tín chấp vay thêm ngân hàng, chị Thủy đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu chị chỉ nuôi bò sinh sản, heo thịt và vài chục con gà. Quy mô sản xuất được chị Thủy mở rộng hằng năm, đến nay chị đã có mô hình vườn – ao – chuồng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều nông hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất

Từ Quỹ HTND, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất – kinh doanh, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Chị Trương Thị Quyên, ấp 5, xã Tân Hưng (Đồng Phú) là một trong 10 hội viên của Tổ hợp tác trồng nhãn được tiếp cận vốn Quỹ HTND do Hội Nông dân huyện giải ngân vào đầu năm 2016. Chị Quyên đã sử dụng vốn đầu tư chăm sóc vườn nhãn gần 5 ha của gia đình. Chị cho biết, những năm đầu do canh tác theo phương pháp truyền thống nên cây nhãn cho năng suất không cao, thời điểm đó giá lại không ổn định. Trồng nhãn khó khăn nhất là 2 năm đầu khi nhãn chưa cho trái, trong khi chi phí lại tốn kém. Khi nhãn bắt đầu cho thu hoạch thì gia đình vừa có thu nhập lại vừa bớt công chăm sóc. Học hỏi từ cơ quan khuyến nông và những nhà vườn có kinh nghiệm, chị đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc vườn nhãn. Nhờ vậy, đến nay năng suất 1 ha nhãn của chị đạt từ 17-20 tấn trái, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg chị thu lời khoảng 100 triệu đồng/ha.

ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nguồn vốn Quỹ HTND của Hội Nông dân huyện Đồng Phú đã bước đầu đáp ứng nguyện vọng thiết thực của nông dân, tháo gỡ kịp thời một phần nhu cầu về vốn cho hội viên, nông dân đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh. Hiện nay, huyện Đồng Phú có 11 dự án được đầu tư từ Quỹ HTND với số tiền giải ngân 4 tỷ 950 triệu đồng cho 123 hộ hội viên vay phát triển kinh tế, trong đó có 5 dự án từ nguồn vốn Trung ương, 3 dự án từ nguồn vốn cấp tỉnh, 3 dự án từ nguồn vốn cấp huyện. Qua nhiều năm triển khai, Quỹ HTND đã trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất chăn nuôi, tạo việc làm ổn định. Nhờ đó đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu.

Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Phú Phạm Văn Giới cho biết: Từ nguồn Quỹ HTND, các dự án đã phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động ở địa bàn và quan trọng là tăng thu nhập cho nông dân. Qua đó, tập hợp nông dân vào tổ chức và làm nòng cốt trong các phong trào của hội. Việc quản lý quỹ được thực hiện đúng quy định, cho vay vốn đảm bảo nguyên tắc bình xét công khai, dân chủ từ chi hội. Đến nay, hội đã vận động Quỹ HTND được 1 tỷ 80,026 triệu đồng, trong đó cơ sở hội vận động 630,026 triệu đồng giúp hàng trăm nông dân có điều kiện vay vốn sản xuất. Việc hỗ trợ vốn gắn với hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, định hướng cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp, phát huy được hiệu quả vốn vay. Nhờ vậy, nhiều nông hộ đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Các hộ vay vốn sau khi có nguồn thu ổn định cũng đã đóng góp hàng trăm triệu đồng vào quỹ HTND ở cơ sở cho các hộ khó khăn hơn vay phát triển sản xuất.

Để Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nông dân trong phát triển sản xuất – kinh doanh, hội nông dân các cấp cần quan tâm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng các nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, định hướng về thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có biện pháp hỗ trợ, cho vay để phát triển mạnh với các mô hình trang trại nông nghiệp, tổ hợp tác về cây trồng, vật nuôi có thế mạnh và đầu ra sản phẩm ổn định. Có như vậy, Quỹ HTND mới phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : 24hbinhphuocbinh phuoc 24hTin tức Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết