VAMI cho rằng phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô không phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không còn phù hợp thực tiễn.

Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành gây chồng chéo, không phù hợp pháp luật và thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh ô tô.

Theo VAMI, hiện tại phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang được Bộ KH&CN quy định tại các văn bản: Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN và Thông tư số 05/2012/TT-BHCN ngày 12/3/2012.

Quy định lỗi thời, chồng chéo: Lo ô tô Việt đuối sức, kêu lên Thủ tướng
Phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không còn phù hợp

VAMI nhận thấy, phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô tại các văn bản nêu trên của Bộ KH&CN không phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây chồng chéo, không phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn sản xuất, kinh doanh ô tô

Lý do là các văn bản trên được Bộ KH&CN ban hành căn cứ tại Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 3/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. Thế nhưng Quyết định số 175 đã được thay thế bởi Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/07/2014 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Như vậy, VAMI cho rằng: Theo khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, hơn 7 năm từ khi Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Bộ KH&CN chưa ban hành văn bản bãi bỏ và công bố công khai trên thông tin đại chúng.

Theo các doanh nghiệp ô tô, việc tính tỷ lệ nội địa hóa quy định tại Quyết định số 28 không phù hợp với thông lệ quốc tế đang được các nước ASEAN và trên thế giới áp dụng (dựa theo tỷ lệ phần trăm về giá trị sản xuất trong nước). Cụ thể, theo quy định này của Bộ KH&CN, Việt Nam vẫn sử dụng phương pháp tính tỷ lệ nội địa hoá theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Theo đó, mỗi cụm linh kiện/phụ tùng chính được áp một điểm số và quy ra một tỷ lệ (%) nội địa hóa nhất định mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện/phụ tùng đó.

Trong khi đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên, khi đó hàng hóa được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa nội khối. Đồng thời, phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa theo ASEAN hiện nay cũng được Bộ Công Thương quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018. Theo đó, ô tô nhập khẩu về Việt Nam hay từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước ASEAN nếu muốn được hưởng thuế suất ưu đãi 0% thì đều phải áp dụng quy định này.

Mặt khác, cách tính toán và xác định tỷ lệ nội địa hóa tại Quyết định số 28 cũng không phù hợp với thực tiễn công nghệ sản xuất ô tô trên thế giới hiện nay. Cùng với xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, các tính năng và linh kiện trên ô tô ngày càng đổi mới, hiện đại và chiếm tỷ trọng giá trị lớn so với giá trị của chiếc xe đặc biệt đối với các dòng xe con cao cấp, xe điện hóa (xe hybird, xe hybrid sạc ngoài, xe điện chạy pin… ), thiết kế và công nghệ vật liệu sản xuất thân vỏ xe có sự thay đổi (theo hướng tăng cường tỷ trọng sử dụng các loại vật liệu mới: sợi cacbon, titanium, nhôm hợp kim, composite,… để đảm bảo nhẹ, cứng vững; đồng thời, giảm tỷ trọng kim loại).

Trong khi đó, danh mục linh kiện quy định tại các Phụ lục 1, 2, 3, 4 ban hành kèm theo Quyết định số 28 lại chưa đề cập cụ thể (ví dụ: các công nghệ an toàn, hệ thống điều khiển thông minh, hệ thống giải trí đa phương tiện, camera trước/sau, camera 3600 và các cảm biến trong xe,… ).

Trước thực tế này, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ theo thẩm quyền sớm bãi bỏ Quyết định số 28, Quyết định số 05 và Thông tư số 05 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước duy trì sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN với thuế suất 0% từ năm 2018.

Luật sư Phạm Xuân Sang, đoàn Luật sư TP. HCM:

Hiện tại, sản xuất lắp ráp ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và tiếp đó là Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, theo đó, mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn sản xuất lắp, ráp ô tô tại Việt Nam đều phải chấp hành. Do đó, theo quy định tại Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ cần bãi bỏ các quy định không còn cơ sở pháp lý là Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN để đảm bảo sự thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. 

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : công nghiệp ô tôgiá xe ô tônội địa hóathuế nhập khẩu ô tô

Các tin liên quan đến bài viết