Đây là dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa được thông báo tới các đại biểu bằng văn bản.
Trong văn bản vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức kỳ họp thứ 9 theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Theo đó, trong tuần đầu tiên của kỳ họp (dự kiến khai mạc khoảng 20 đến 25-5), Quốc hội sẽ họp trực tuyến khoảng một tuần. Cầu truyền hình được nối từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tại địa phương nào sẽ dự họp ngay tại địa phương đó. Còn lại các đại biểu công tác tại Hà Nội (khoảng 165 người) sẽ dự họp tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Nếu điều này xảy ra thì đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thực hiện một kỳ họp trực tuyến. Tuy vậy, trước đó nhiều hội nghị trực tuyến cũng đã được tổ chức tại Nhà Quốc hội, kết nối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Trong đợt họp đầu tiên (trực tuyến), Quốc hội sẽ xem xét những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng tại kỳ họp trước và một số vấn đề cấp thiết như phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), các chính sách, giải pháp liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19.
Đợt 2 của kỳ họp sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, dự kiến khoảng 7-10 ngày để xem xét các nội dung mật, biểu quyết thông qua luật, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn ĐBQH và Ủy ban MTTQ VN các tỉnh, thành phố phối hợp, có cách thức phù hợp để ĐBQH tiếp xúc cử tri, vừa bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế ở địa phương.
Nguồn: tuoitre.vn