Trong dư âm của vụ xìcăngđan Weinstein, đến lượt Quốc hội Mỹ bị tố là nơi dung túng cho tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ.

Quốc hội Mỹ bị tố đầy nạn quấy rối tình dục - Ảnh 1.

Ông trùm sản xuất phim Harvey Weinstein (giữa) – “quả bom” khiến nhiều quý ông điêu đứng vì làn sóng tố cáo quấy rối tình dục từ nhiều phụ nữ Mỹ có tên tuổi

Quấy rối tình dục được xem là khá phổ biến trong Quốc hội Mỹ – một nơi ít ai ngờ đến.

Theo một khảo sát năm 2016 bởi công ty truyền thông Mỹ CQ Roll Call, có 4/10 nhân viên nữ làm việc trong Quốc hội Mỹ tin rằng quấy rối tình dục “là một vấn đề” của Đồi Capitol; 1/6 người trực tiếp là nạn nhân và hầu hết những vụ việc đáng xấu hổ này nhanh chóng chìm xuồng.

Xuất hiện trên sóng Đài MSNBC ngày chủ nhật (19-11), nữ nhà báo Mỹ Kasie Hunt giải thích tại sao các nạn nhân bị quấy rối trong Quốc hội Mỹ thường ngại lên tiếng.

Nói ngắn gọn, họ phải vượt qua hàng tá thủ tục quan liêu, thời gian chờ đợi mệt mỏi, đó là chưa kể tiền thuế của dân Mỹ được dùng để trả cho luật sư bảo vệ những người bị tố quấy rối. “Nó cực kỳ rắc rối” – bà Hunt mô tả.

Sau đây là “quy trình” cần phải làm nếu ai đó muốn tố một nhân viên hoặc nghị sĩ/thượng nghị sĩ Mỹ tội quấy rối tình dục:

(1) Nạn nhân có 180 ngày để nộp đơn tố cáo lên Văn phòng Tuân thủ thuộc Quốc hội Mỹ – bộ phận chịu trách nhiệm giải quyết những phàn nàn trong công việc;

(2) Nạn nhân phải trải qua 30 ngày tư vấn bắt buộc và có 15 ngày để quyết định có muốn hòa giải không. Nếu không chọn hòa giải, họ không có lựa chọn nào khác;

(3) Nếu nạn nhân đồng ý hòa giải, một luật sư đại diện cho Quốc hội Mỹ sẽ tham gia và nhiệm vụ của người này là bảo vệ Quốc hội. Tiền thuê luật sư là tiền thuế của dân Mỹ;

(4) Nếu không có dàn xếp nào đạt được, tiếp theo sẽ là giai đoạn 30 ngày “bình tĩnh suy nghĩ” trước khi nạn nhân có thể đâm đơn kiện hoặc yêu cầu một buổi điều trần.

Nếu hai bên đạt được thỏa thuận dàn xếp, thông thường nó sẽ đi kèm một điều khoản không được công bố, và số tiền dùng để dàn xếp cũng là tiền ngân sách.

Quốc hội Mỹ bị tố đầy nạn quấy rối tình dục - Ảnh 2.

Các nhà hoạt động biểu tình chống nạn tấn công tình dục trong trường đại học Mỹ ở California tháng 9-2016 

Những tuần qua, vài nữ nhân viên làm việc trong Quốc hội Mỹ đã lên tiếng chia sẻ những câu chuyện quấy rối tình dục chính bản thân họ đã trải qua.

Hai nhân vật trở nên “nổi bật” ngoài ý muốn là thượng nghị sĩ Al Franken và ứng viên thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Moore. Cả hai đều bị tố “sờ mó” phụ nữ mà “không có sự cho phép”.

Dưới sức ép của dư luận, lưỡng viện thuộc Quốc hội Mỹ trong tháng này đưa ra quy định buộc tất cả nghị sĩ, nhân viên phải trải qua khóa huấn luyện về quấy rối tình dục. Dù vậy, nhiều người nói các nhà lập pháp còn phải mất nhiều thời gian để khắc phục tình trạng này, trong đó bao gồm quy trình tố cáo “có cũng như không”.

“Hệ thống của chúng ta cho phép những kẻ quấy rối dễ dàng thoát trách nhiệm” – nghị sĩ Jackie Speier, một nhà vận động tích cực cho các nạn nhân quấy rối tình dục, chỉ trích trong cuộc phỏng vấn ngày 19-11.

Tuần trước, bà Speier cùng thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand và nhiều người khác trình ra dự luật “Me Too” để phản ứng và ngăn chặn tình trạng quấy rối trong Quốc hội Mỹ.

“Chúng ta phải bảo đảm tất cả tố cáo được xem xét nghiêm túc, và nạn nhân không bị hành hạ hoặc đe dọa khi muốn tố cáo. Đó là thực trạng đang diễn ra trong Quốc hội” – bà Speier đúc kết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Mỹnạn nhânquấy rối tình dụcquốc hội Mỹ

Các tin liên quan đến bài viết