Công việc thường xuyên phải đọc nhiều tài liệu nhưng 2 hôm nay, khi đọc anh Hà không tập trung, không nhớ được nội dung đã đọc. Anh lo lắng mình có thể mắc triệu chứng “sương mù não” của hậu Covid-19.
Mắc Covid-19, anh Lê Hà (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhanh chóng vượt qua với những triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên những bất thường sau khi khỏi Covid-19 mới là điều anh lo ngại.
“Ngày đầu sau khi khỏi bệnh, tôi đi lại không vững, như người bị rối loạn tiền đình. Đặc biệt, khi xoay người thì nhận thức về không gian xung quanh hơi chậm, làm cho động tác tay, chân của tôi không được linh hoạt”, anh chia sẻ.
Không chỉ vậy, anh còn cho biết: “Công việc thường xuyên phải đọc nhiều tài liệu nhưng 2 hôm nay, tôi đọc tài liệu mà đầu óc lơ mơ, không nhớ được nội dung đã đọc”.
Anh Hà và mẹ cùng mắc Covid-19 tuy nhiên, sau khi âm tính, sức khỏe người mẹ đã hồi phục trong khi anh Hà gặp phải những vấn đề trên. Lo lắng mình mắc các triệu chứng hậu Covid-19, anh khắc phục bằng cách nghỉ ngơi, tập thể dục. “Tôi sẽ theo dõi thêm 2 tuần nữa, để xem cơ thể có thể quay về trạng thái bình thường không. Nếu không tôi sẽ đi khám”, anh Hà nói.
Tương tự, chị Hồng Hạnh (TP.HCM) xuất viện ngày 20/9/2021 sau khi mắc Covid-19. Là F0, chị điều trị tại nhà trong 10 ngày, sau đó nhập viện và điều trị 8 ngày. “Ban đầu, tôi có các triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, sốt. Nhưng do mất vị giác nên không ăn uống gì được, dẫn đến SpO2 bị tụt (94 – 84) và suy hô hấp. Tôi phải nhập viện, thở oxy”, chị chia sẻ.
“Trước khi xuất viện, bác sĩ có cảnh báo trước là hậu Covid sẽ phát sinh nhiều bệnh và quả đúng như vậy”, chị nói thêm. Chị Hạnh đi khám hậu Covid, sau khi chụp Xqquang phổi, bác sĩ ghi nhận chị có tình trạng xơ phổi.
“Không chỉ vậy, sau nhiều tháng khỏi Covid, hiện tại cứ chiều chiều, tôi lại đau thắt tim, SpO2 lên xuống bất thường. Đặc biệt, người bứt rứt, dễ nổi nóng, mất ngủ, đau nhức cơ khớp, tim đập nhanh, rất mệt…”, chị nói thêm.
Một tình trạng khiến chị Hạnh lo lắng là sự giảm sút về trí nhớ. Cụ thể, chị quên sau khi vừa nói về một vấn đề nào đó. Vừa để đồ vật ở chỗ này nhưng lát sau chị lại loay hoay đi tìm. “Chuyện cũ mấy chục năm trước, tôi vẫn nhớ nhưng lại quên chuyện mới vừa xảy ra. Đầu óc tôi không tập trung được, trống rỗng, lo âu. Cùng với việc cơ thể mệt mỏi, khiến tôi có cảm giác chán nản, trầm cảm vì yếu hơn trước lúc nhiễm Covid rất nhiều”, chị chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, “sương mù não” (tiếng Anh: Brain Fog) là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu lên não. Tình trạng này ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ, người mắc thường cảm thấy khó tập trung, thiếu minh mẫn.
Một bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại bệnh viện |
Bác sĩ Trần Huynh, Học viện Quân y cho biết, các triệu chứng giống như hiện tượng rối loạn hệ thần kinh thực vật khiến người bệnh choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng. Trong quá trình tư vấn, hướng dẫn nhiều F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội, bác sĩnh Huynh cũng gặp không ít bệnh nhân phản ánh tình trạng hay quên.
Tuy nhiên triệu chứng này xảy ra đối với những việc vừa xảy ra như để đồ vật ở chỗ này nhưng sau đó không nhớ nổi, quên các sự việc vừa nói… “Các triệu chứng đều nhẹ, không gây hậu quả nghiêm trọng, không phải đến mức quên các việc, vật đã được lưu giữ trong tiềm thức như người thân, sự kiện trong đời…”, bác sĩ Huynh cho biết.
Các biến chứng lâu dài sau khi nhiễm Covid-19 là khác nhau ở mỗi người. Đối với một số bệnh nhân, chứng “sương mù não” sau Covid-19 có thể biến mất sau khoảng vài tháng. Nhưng đối với những người khác, nó có thể tồn tại lâu hơn. Bác sĩ cũng khuyên sau Covid 2-4 tuần, bệnh nhân có các triệu chứng đó nên đi khám tổng thể, đặc biệt đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Trong trường hợp, sau 2-3 tuần, bệnh nhân hồi phục được, không còn hiện tượng trên thì không cần đi khám.
“Chưa có nghiên cứu cụ thể về đối tượng, độ tuổi mắc triệu chứng này. Nó có thể xảy ra với cả người trẻ. Hiện tượng quên sự việc gần, quên thoáng qua này diễn ra ở nhiều lứa tuổi. Chúng tôi cũng động viên bệnh nhân không quá lo lắng, cần bình tĩnh theo dõi sức khỏe bản thân”, bác sĩ Huynh thông tin thêm.
Hiện, trên thế giới, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng “sương mù não”. Tuy nhiên, một số nguyên nhân đã được xác định gây nên tình trạng này là do thiếu oxy não do tổn thương phổi; Rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể; Đột quỵ não.
Ngoài ra, nguyên nhân gây “sương mù não” còn do làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng. Bên cạnh đó, tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, thuốc ICU (thuốc dùng để giảm đau, giãn cơ trong thở máy… khi hồi sức cấp cứu) được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 trở nặng cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng “sương mù não”.
Theo BSCKII Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, 2/3 số người nhiễm Covid-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài. Đó là các hiện tượng mệt mỏi, khó thở, ho, giảm sự tập trung, bị huyết khối, xơ phổi… Các rối loạn đa dạng này được xem là di chứng của Covid-19 hay “hậu Covid-19” (thuật ngữ tiếng Anh: Post-Covid hay Long-Covid). Ở các bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch, những di chứng để lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Khỏi Covid-19 chưa bao lâu, nhiều bệnh nhân đột nhiên bị đau đầu, mất ngủ, cảm giác lú lẫn, mất trí nhớ vì không thể nhớ tên và chỗ để các vật dụng thông thường, đôi lúc còn quên việc mình đã từng làm, quên tên người thân. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu gặp khó khăn trong giao tiếp, không thể diễn đạt được đúng ý mình muốn, không thể tập trung được như trước đây, kể cả trong việc nấu ăn. Suy giảm trí nhớ hay suy giảm nhận thức đã làm xáo trộn cuộc sống thường ngày của nhiều người. Nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi hồi phục lại cảm thấy chán nản hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Các bác sĩ khuyến cáo nếu tình trạng kéo dài, bệnh nhân nên đi khám để được can thiệp, hồi phục sức khỏe. |
Nguồn: vietnamnet