Chiều nay 24-6, hơn 925.000 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 đến các điểm thi trên cả nước làm thủ tục dự thi. Tại TP.HCM, hàng trăm thí sinh quên mang theo giấy chứng minh nhân dân.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi THPT quốc gia năm nay TP.HCM có tổng số 78.332 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 72.496 thí sinh ở khối THPT và 5.836 thí sinh ở khối giáo dục thường xuyên (trong đó có khoảng 4.500 thí sinh tự do).
Vẫn thắc mắc việc mang theo điện thoại
Chiều 24-6, tại các điểm thi THPT quốc gia 2018 ở TP.HCM, phần lớn thí sinh đã có mặt tại phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi…
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ online, do được thi được tổ chức ngay tại trường mình học hoặc gần trường nên thí sinh đến điểm thi thuận lợi, ít thí sinh đến điểm thi sớm. Nhiều điểm thi đến 14h mới có đông thí sinh đến làm thủ tục. Các thí sinh cho biết do điểm thi gần nhà nên không cần đến sớm.
Sau đó, cán bộ coi thi ở các phòng thi đã hướng dẫn thí sinh xuống gặp trưởng điểm thi để làm giấy cam đoan mới được nhận Thẻ dự thi. Nhà trường đã giải quyết nhanh cho tất cả thí sinh này, đồng thời căn dặn thí sinh trong buổi thi đầu tiên môn ngữ văn phải nhớ mang theo giấy CMND.
Trong khi đó, tại điểm thi Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) có một thí sinh bị thất lạc giấy CMND và vài thí sinh khác quên đem theo CMND. Các thí sinh này cũng được hướng dẫn làm giấy cam đoan để nhận Thẻ dự thi.
Tại nhiều điểm thi khác ở TP.HCM cũng có không ít thí sinh quên mang theo giấy CMND khi đến làm thủ tục dự thi. Trao đổi với chúng tôi nhiều thí sinh cho biết “vì nghĩ khi đi thi mới mang theo giấy tờ tùy thân và không ai dặn việc này nên hôm nay không mang”.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thí sinh vẫn chưa nắm rõ quy chế thi, đặc biệt là việc không được mang theo điện thoại di động vào phòng thi. Trong buổi làm thủ tục dự thi, phần lớn thí sinh đều mang theo điện thoại di động.
Tại điểm thi Trường THPT Marie Curie khi nghe phổ biết quy chế, một số thí sinh thắc mắc với cán bộ coi thi: “Khi đi thi em muốn mang theo điện thoại để tiện liên lạc. Khi vào thi chỉ cần tắt nguồn điện thoại được không?”.
Cán bộ coi thi phải nhắc lại nhiều lần, thí sinh tuyệt đối không được mang điện thoại. Thí sinh mang điện thoại vào phòng thi chỉ cần cán bộ coi thi nhìn thấy dù điện thoại có tắt nguồn hay để im lặng thì cùng sẽ bị lập biên bản.
Lưu ý thí sinh kiểm tra kỹ phiếu trả lời trắc nghiệm
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Tổng số địa điểm tổ chức thi là 124 điểm, tăng 8 điểm so với kỳ thi năm 2017. Tổng số cán bộ được phân công coi thi là 8.807 người, trong đó có 3.294 giảng viên các trường đại học và 5.513 giáo viên THPT. So với năm 2017, số cán bộ coi thi tăng 15%.
Theo sự phân công của Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay sẽ có các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM và 6 trường đại học trên địa bàn TP phối hợp với Sở GD-ĐT coi thi và giám sát tại các hội đồng.
“Tại tất cả các điểm thi, toàn bộ giám thị, các thành viên trong mỗi điểm thi đều đã được tập huấn đầy đủ. Nội dung tập huấn có tập trung lưu ý một số điểm mới cũng như nhắc nhở, rút kinh nghiệm nhằm đ8ảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi”, ông Hiếu cho hay.
Liên quan tới quy chế thi của Bộ GD-ĐT quy định phiếu trả lời trắc nghiệm của mỗi phòng thi sẽ được in đủ, không in dư so với số lượng thí sinh trong phòng thi.
Sở GD-ĐT lưu ý thí sinh trường hợp thí sinh làm bẩn, rách, nhàu, muốn yêu cầu đổi phiếu trả lời trắc nghiệm, phải được cán bộ coi thi lập biên bản thu hồi phiếu trả lời đã phát trước đó và thay mới bằng phiếu trả lời dự phòng được lấy từ trưởng điểm thi.
“Quá trình lập biên bản có thể làm ảnh hưởng thời gian làm bài của thí sinh nên sau khi nhận phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh cần kiểm tra kỹ xem có bị nhàu, rách hay không, hạn chế trường hợp phải xin đổi phiếu.
Bên cạnh đó, các thông tin trên phiếu trả lời cần được tô chính xác, đối chiếu mã đề thi giữa các môn thi thành phần trong cùng bài thi tổ hợp để kịp thời báo giám thị trường hợp có sai sót”, ông Hiếu lưu ý.
Đồng thời, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khẳng định không có tình trạng thiếu đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm, vì mỗi điểm thi đều được bố trí hai túi đề thi dự phòng, tương đương số lượng thí sinh dự thi tối đa của hai phòng thi và bốn túi phiếu trả lời trắc nghiệm dự phòng, tương đương số lượng thí sinh dự thi tối đa của bốn phòng.
Ông Hiếu nhấn mạnh: “Thí sinh cần lưu ý là kết thúc mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi sẽ thu lại tất cả giấy nháp, đề thi, vật dụng thí sinh có thể dùng để ghi chép đề thi.
Ngoài ra, năm nay thời gian giãn cách giữa các môn thi thành phần được rút ngắn, từ 20 phút (ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017) xuống còn 10 phút, nên thí sinh có yêu cầu cần trợ giúp hay hỗ trợ gì cần tranh thủ giải quyết, tránh ảnh hưởng giờ làm bài của môn thi tiếp theo”.
Chủ quan, nhiều thí sinh đi trễ
14h20 tại điểm thi trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ, TP.HCM, nhiều tốp thí sinh nháo nhác tìm phòng thi làm thủ tục.
Thúc giục học sinh khẩn trương, cô Hà Thị Thu Cúc cho biết: “Năm nay thi ngay trường của mình nên học sinh có vẻ chủ quan, ỷ lại, dậy trễ, nhờ bạn cầm giùm giấy tờ thi, thậm chí không mang giấy báo dự thi vì nghĩ hôm nay không quan trọng. Trong khi, mọi năm thi tại trường lạ, phụ huynh cẩn thận đưa đón, theo sát con em hơn”.
Phần lớn thí sinh đi trễ vẫn thong thả tìm phòng thi, lực lượng bảo vệ, thầy cô coi thi phải sốt sắng hướng dẫn. Điểm thi xảy ra nhiều trường hợp quên chứng minh nhân dân, căn cước công dân làm mới bị sai thông tin, để giấy báo thi ở nhà… được hội đồng thi ghi nhận giải quyết.
Khi buổi làm thủ tục kết thúc vẫn còn học sinh mới đến trường, hồ sơ đã niêm phong nên học sinh được hướng dẫn mang đủ hồ sơ vào sáng mai 25-6.
Nghiêm túc nhắc nhở các trường hợp đi trễ, trưởng điểm thi, ông Lê Hữu Hân, cho biết đã yêu cầu thí sinh ghi giờ tập trung 6h45 lên giấy thi, trừ hao thời gian đến khi làm bài 7h30 và 15 phút sau đó thí sinh còn được vào phòng thi.
Do số học sinh năm nay tăng, Cần Giờ có hai điểm thi với 32 phòng và khoảng 760 thí sinh. Trong đó, trường THPT Bình Khánh tổ chức cho học sinh tại trường và học sinh trường THPT An Nghĩa dự thi; điểm thi THPT An Nghĩa tổ chức cho học sinh trường THPT Cần Thạnh tham dự kì thi.
Huế: thí sinh đội mưa lớn đến phòng thi
Nhiều phụ huynh cũng chịu cảnh tương tự. Một số người chấp nhận chờ con dưới cơn mưa như trút nước.
Bà Phan Minh Nga, phụ huynh của một thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Quốc học, cho biết cơn mưa này là “rất cần thiết”: “Thời tiết ở Huế những ngày qua vô cùng nóng bức và khó chịu. Cơn mưa này sẽ giúp các em giảm nhiệt để ôn và làm bài tốt hơn” – bà Nga nói.
Bà Nga cũng cho rằng để đảm bảo sức khỏe cho sĩ tử, phụ huynh nên chuẩn bị áo mưa, ô… vì thời tiết ở Huế mùa này rất thất thường, có thể mưa nắng bất kỳ lúc nào.
90% thí sinh Khánh Hòa làm thủ tục dự thi
Đến17h chiều 24-6, theo thống kê từ Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, đã có gần 90% thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2018.
Thí sinh Trần Kiều Mỹ cho biết em đăng ký dự thi khối C, khoa du Du lịch của trường Đại học Thái Bình Dương. “Em thi Văn, Sử, Địa. Môn Sử là môn làm em lo lắng nhất vì có rất nhiều chi tiết, cột mốc lịch sử cần phải nhớ. Đến thời điểm hiện tại em đã ôn kỹ, nhưng vẫn còn lo lắm”, em nói.
Thí sinh Trần Thị Thúy Liễu, học sinh 12C5 trường THPT Hoàng Văn Thụ, đăng ký dự thi khối B, trường Cao Đẳng Y tế Khánh Hòa. Em cho biết: “Thi trắc nghiệm có mặt thuận lợi là nếu gặp câu khó tụi em có thể đánh lụi nhưng nguy cơ điểm liệt cũng rất cao. Tuy nhiên hiện tại em đã sẵn sàng cho kỳ thi ngày mai”.
Cùng ngày, tại các điểm thi trên địa bàn TP Nha Trang, các bạn tình nguyện viên cùng một số doanh nghiệp đã túc trực sẵn sàng hỗ trợ cho các sĩ tử trong kỳ thi THPT 2018.
Lộn xộn trước điểm thi THPT quốc gia 2018
Đó là những gì diễn ra bên ngoài điểm trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng chiều 24-6. Theo ghi nhận, đa số thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại đây đều tự đi xe gắn máy đến trường, nhiều em không đội mũ bảo hiểm.
Vì đa số chưa đủ tuổi đi xe máy nên các em để xe bên ngoài cổng trường, trên vỉa hè và ngay dưới lòng đường nên tình trạng trước cổng trường khá lộn xộn.
Theo ghi nhận, có một nhóm người đi lại thu 3-5 nghìn đồng với mỗi xe để trên vỉa hè hoặc lòng đường. Một số phụ huynh phản ứng vì cho rằng chỉ ngồi đợi con làm thủ tục chứ không gửi xe nên không đưa tiền.
Bà Phương, một phụ huynh đưa con đến điểm thi cho biết nhóm người hỏi thu tiền cả những phụ huynh, một số để xe trên vỉa hè vào quán nước đối diện trường đợi con, khi ra lại vẫn bị thu tiền.
Ông Nguyễn Thuận, bảo vệ trường này cho biết: “Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ là không cho thí sinh nào đi xe gắn máy vào cổng trường, còn phía bên ngoài cổng thì ai làm gì là việc của họ, chúng tôi không có quyền can dự”.
Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thượng Hiền có 3 thí sinh khiếm thị. 3 thí sinh này sẽ được bố trí ở 3 phòng thi riêng.
Ngoài hai cán bộ coi thi như thông thường thì ở mỗi phòng thi đặc biệt này còn được bố trí thêm một cán bộ hỗ trợ viết bài đối với môn thi tự luận và tô mã đề đối với môn thi trắc nghiệm.
Các phòng thi cũng được trang bị máy ghi âm để ghi lại toàn bộ quá trình cán bộ đọc đề thi và làm bài thi của thí sinh.
Thí sinh 53 tuổi
Tại điểm thi Trường THCS Hoàng Văn Thụ Q.10, TP.HCM, gần 14h30 nhiều thí sinh mới bắt đầu lên phòng làm thủ tục dự thi. Đây là điểm thi GDTX và tự do nên một số thí sinh tỏ ra chủ quan đi trễ. Một thí sinh đầu tóc hoa râm đến muộn cuống cuồng kiếm phòng thi. Trước sự hướng dẫn và trấn an của giám thị coi thi, người đàn ông này mới thở phào nhẹ nhõm nói: “Tôi thi đây đã là lần thứ 10 rồi. Tôi không muốn bỏ thi vì đi trễ đâu nhưng công việc lu bu quá!”.
Thí sinh lớn tuổi nhất điểm thi này sinh năm 1965. Theo thầy Phan Minh Khoa, trưởng điểm thi Trường THCS Hoàng Văn Thụ, trong ngày làm thủ tục có 52 thí sinh không đến nhận thẻ dự thi.