Tên dự kiến quê “Bà chúa thơ Nôm” sau khi sáp nhập nhận nhiều ý kiến trái chiều. Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết đó chỉ là phương án dự kiến. Địa phương đang tiếp tục lấy ý kiến của người dân về tên mới sau khi sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu.
Liên quan đến những ý kiến trái chiều về tên gọi dự kiến của quê hương “Bà chúa thơ Nôm” nữ sĩ Hồ Xuân Hương sau khi sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, ông Hoàng Văn Bộ – Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có những chia sẻ với Dân Việt về vấn đề này.
“Bây giờ đang trong giai đoạn chuẩn bị để sắp tới lấy ý kiến của người dân. Huyện đang thực hiện quy trình theo chỉ đạo của cấp trên, để trình tỉnh khi có đề án. Sau khi thống nhất được đề án, huyện sẽ tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến người dân. Khi tỷ lệ đồng thuận của người dân cao, sẽ trình tỉnh thực hiện các bước tiếp theo”, ông Hoàng Văn Bộ – Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của người dân, ban chỉ đạo huyện sẽ tiếp thu, điều chỉnh, chọn lọc một cái tên phù hợp với quy định, thỏa mãn nguyện vọng của người dân.
“Mỗi cái đều tốt, chọn lọc cái gì tốt nhất, hợp lý nhất, người dân đồng thuận nhất, thì hiện tại địa phương đang làm. Ngày 5/5 sẽ lấy ý kiến cử tri, đến ngày 15/5 sẽ họp Hội đồng nhân dân xã, sau đó sẽ họp Hội đồng nhân dân huyện và báo cáo UBND tỉnh Nghệ An trước ngày 30/5”.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Bộ cũng cảm ơn những ý kiến đóng góp về tên gọi mới theo phương án dự kiến trước đó: “Khi có thông tin thì nhiều người đóng góp ý kiến, đó cũng là cái tốt để địa phương tiếp thu, có phương án tốt nhất, hoàn chỉnh nhất”.
Trong khi đó, ông Trần Đức Hữu – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, chủ trương sáp nhập hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi thì cử tri rất thống nhất. Sau đó, huyện cũng đưa ra phương án để lấy ý kiến người dân. Phương án ban đầu đưa ra là lấy tên xã Quỳnh Đôi sau khi sáp nhập.
“Sau khi có phương án đó, thì người dân nắm bắt được và dư luận chưa đồng tình với phương án này. Người dân cũng phân tích, xã Quỳnh Đôi có truyền thống lịch sử thì xã Quỳnh Hậu cũng như vậy. Quỳnh Hậu là xã anh hùng, xã văn hóa, xã nông thôn mới nâng cao. Năm 1960 được Bác Hồ gửi thư khen. Nền tảng và nguồn gốc của Quỳnh Hậu rất phong phú. Cử tri cũng muốn giữ lại tên Quỳnh Hậu”, chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu cho biết.
Ông Trần Đức Hữu chia sẻ thêm: “Phương án dự kiến tên mới là Đôi Hậu nhận được nhiều thông tin, dư luận và ý kiến trái chiều. Người dân cũng mong muốn tên gọi mới khi nhắc tới đều nhớ về cả hai xã. Nếu ghép tên giữa Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi không đẹp, tối nghĩa. Địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến của người dân, tuyên truyền, vận động để có một phương án hoàn chỉnh nhất”.
Trước đó, UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có văn bản gửi cấp trên về việc “điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp lại”. Trong đó, quê hương của “Bà chúa thơ Nôm” là xã Quỳnh Đôi sẽ sáp nhập với xã Quỳnh Hậu. Tên gọi mới sau khi sáp nhập hai xã dự kiến sẽ là “Đôi Hậu”. Tên gọi mới đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Theo Dân việt