Với mô hình trồng sầu riêng thương phẩm, xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã có nhiều đảng viên trở thành tỷ phú. Những “cánh chim đầu đàn” của phong trào làm giàu từ nông nghiệp không ai khác là bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an xã… và nhiều cán bộ, đảng viên khác.
Khi bí thư xã là tỷ phú sầu riêng
Là một trong những người sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất xã với 25 công, Bí thư xã Nguyễn Tấn Nhủ (SN 1971) được người dân Tam Bình gọi thân mật là “tỷ phú sầu riêng”.
Dẫn chúng tôi dạo quanh xã với bát ngát vườn sầu riêng, Bí thư xã Nguyễn Tấn Nhủ cho biết, cả xã bây giờ là thủ phủ sầu riêng khi nhà nhà trồng sầu riêng, người người thành tỷ phú sầu riêng.
Ông Huỳnh Văn Bá (trái) đang giới thiệu vườn sầu riêng gần tới mùa thu hoạch của gia đình mình. |
Theo ông Nhủ, cách nay hơn 20 năm, khi còn là Bí thư xã đoàn, ông thấy mô hình trồng sầu riêng ở nơi khác có triển vọng nên tìm tòi, mua giống về trồng trên khu vườn của gia đình. Đến bây giờ, vị bí thư xã đã có trong tay 25 công sầu riêng, mỗi năm cho thu hoạch 50-55 tấn.
Trái sầu riêng có giá thấp nhất 50.000 đồng/kg, cao nhất lên đến hơn 100.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, một năm ông thu lãi gần 5 tỷ đồng. Từ mô hình trồng cây sầu riêng cho lãi cao của ông Nhủ, nhiều cán bộ, đảng viên và nhà vườn ở xã Tam Bình học hỏ” làm theo.
Ông Nhủ nhẩm tính những cán bộ, đảng viên cũng trồng sầu riêng cho thu nhập cao như: Phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ văn phòng, khuyến nông… mỗi người đều trồng ít nhất 2 công sầu riêng, mỗi năm cho thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Huẫn – Bí thư chi bộ ấp Bình Ninh, xã Tam Bình cho biết, chi bộ ấp có 18 đảng viên với mô hình trồng cây sầu riêng. Đa số đảng viên ở ấp đều làm vườn rất hiệu quả, mỗi ha cây sầu riêng đạt lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Người dân trong ấp chỉ còn có 3,5% hộ nghèo. Riêng gia đình ông trồng được hơn 1ha cây sầu riêng 10 năm tuổi. Nhờ cây này mà gia đình ông cũng như các đảng viên, nông dân khác đã đổi đời.
Thủ phủ xã sầu riêng 4.0
Theo chân Bí thư Nguyễn Tấn Nhủ, chúng tôi đến vườn sầu riêng của ông Huỳnh Văn Bá, năm nay 64 tuổi. Ông Bá cho biết, vườn sầu riêng của nhà với 4 công trồng 15 năm, mỗi năm cho từ 8-9 tấn quả. “Nếu trúng mùa, và giá như năm nay 90.000 đồng/kg thì cả vườn sẽ bán được 500 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn thu nhập khi tôi trồng xen cây cảnh bách, tùng, mùa tết này cũng cho thu nhập thêm vài trăm triệu đồng” – ông Bá hồ hởi khoe.
Theo Bí thư Nhủ, vựa sầu riêng xã Tam Bình đã được đê bao toàn bộ để ngăn triều, ngăn mặn xâm nhập gây hại cho cây sầu riêng. “Xã Tam Bình hiện có 80% hộ trồng sầu riêng với khoảng 1.320ha, mỗi năm cho thu nhập từ 50.000-60.000 tấn, tùy theo từng mùa” – ông Nhủ cho biết.
Điều đặc biệt, tất cả các vườn sầu riêng đều sử dụng hệ thống tưới, phun tự động theo công nghệ tưới của Israel. “Hầu hết, các chủ vườn đều lắp hệ thống tưới tự động, theo giờ chuẩn. Có thể ngồi uống cà phê ngoài quán nhưng dùng điện thoại điều khiển hệ thống tưới tự động mà không đụng tay, chân như trước đây” – ông Huỳnh Văn Bá cho biết.
Để vựa sầu riêng Tam Bình ngày một ổn định, tăng năng suất hàng tháng, hàng quý định kỳ, UBND xã Tam Bình đều mời các chuyên gia kỳ cựu về hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Nhờ sầu riêng, người dân Tam Bình có thu nhập cao hơn, nên bộ mặt nông thôn xã Tam Bình cũng đổi thay nhanh chóng. Điện, đường, trường, trạm đều phủ kín cả xã. Năm 2014, Tam Bình đạt chuẩn xã NTM đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. “Đặc biệt, về tiêu chí thu nhập thì so với các xã nông nghiệp nông thôn thì Tam Bình đứng đầu về tiêu chí này khi thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người” – Bí thư Nhủ cho hay.
Nguồn: vietnamnet