Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu đã đi đến thống nhất phải quản lý tốt mã vùng trồng mới nâng chất thương hiệu sầu riêng.
Liên quan vụ dân đòi lại mã vùng trồng, chiều 29-10, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch quản lý, giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng đến người dân, doanh nghiệp, các địa phương.
Phải công khai, minh bạch mã vùng trồng
Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương, hợp tác xã chung tay cùng hướng về nền sản xuất mặt hàng sầu riêng đạt chuẩn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối quản lý mã vùng trồng sầu riêng theo quy định.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện có nhiều mã vùng trồng sầu riêng tại địa phương được doanh nghiệp thiết lập, quản lý và sử dụng nhưng người dân không hề biết mình có tên trong danh sách mã vùng trồng.
“Điều này rất dễ dẫn đến việc doanh nghiệp lấy sầu riêng nơi khác rồi gắn mã vùng trồng mình thiết lập, gây thiệt hại cho người dân trong vùng được cấp mã”, đại diện Hợp tác xã cây ăn trái Buôn Hồ đặt vấn đề.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho rằng câu chuyện ai quản lý mã vùng trồng là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc.
Theo ông, hiện quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đang dần hoàn thiện một cách chặt chẽ. Theo đó, để xây dựng mã vùng trồng, người dân phải ủy quyền cho một đại diện (hợp tác xã) hoặc doanh nghiệp đứng ra với những điều kiện về diện tích, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch.
“Vậy nên tới đây, phải công khai thông tin các mã vùng trồng để người dân hiểu quyền lợi và nghĩa vụ. Doanh nghiệp và người dân phải có cam kết về khâu tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo quyền lợi, lợi nhuận của đôi bên”, ông Dương nói.
Vùng nguyên liệu là mấu chốt sống còn
Nói về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, giám đốc Công ty tập đoàn Chánh Thu, cho biết Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng rất có tiềm năng. Với lô hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vừa qua, không chỉ nâng cao thương hiệu của Chánh Thu mà trái sầu riêng Việt Nam, Đắk Lắk cũng đi sâu vào các thị trường khó tính.
Theo bà, Thái Lan vẫn là “cường quốc” xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Họ có đề án hẳn hoi về thương hiệu trái cây quốc gia đối với trái sầu riêng. Hai năm trở lại đây, lợi nhuận của Thái Lan tăng thêm 25% từ loại trái cây này.
“Việc quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để nâng cao chất lượng, thương hiệu sầu riêng là điều vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng trong chuỗi giá trị thì vùng nguyên liệu là mấu chốt, sống còn để nâng giá trị thương hiệu trái sầu riêng”, bà Vy đặt vấn đề.
Theo bà Vy, nếu không có nguyên liệu được chăm sóc tỉ mỉ, không dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ thì doanh nghiệp lấy hàng đâu xuất khẩu? “Vậy nên cần sự chung tay giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương để tất cả các khâu đều trơn tru”, bà Vy nhìn nhận.
Bà nói thêm khi có vùng nguyên liệu thuộc mã vùng trồng đảm bảo thì doanh nghiệp mới dám mở nhà máy chế biến, mở rộng thị trường. “Tới đây, chúng tôi muốn mở nhà máy chế biến, công suất 300 – 400 tấn/ngày nên rất lo về nguyên liệu. Vậy nên, doanh nghiệp nào không rõ nhưng chúng tôi quản lý mã vùng trồng là để có nguyên liệu, hợp tác cùng bà con chứ không làm ăn gian dối”, bà Vy phân tích.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc Chánh Thu và các doanh nghiệp đặt ra cho tỉnh là hết sức cần thiết, đáng suy ngẫm. Không thể ăn xổi ở thì mà từng khâu, từng bộ phận phải làm thật, uy tín mới bền vững được.
“Ngay trong thời điểm dịch năm 2021, chúng tôi đã có nhiều giải pháp để thông thương, xuất khẩu trái cây nói chung và cả trái sầu riêng ra các thị trường ngoài nước. Cũng là lần đầu, khi Chánh Thu đề xuất làm nhà máy chế biến, địa phương đã đồng ý ngay với “quy trình thủ tục rút gọn”. Nhà máy tại huyện Cư M’Gar, trên diện tích 10ha đã được phê duyệt, tới đây sẽ giúp trái sầu riêng được xuất đi nhiều hơn sang các thị trường khó tính”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, các vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. “Đi đôi với việc tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc, phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi vi phạm”, ông Hà yêu cầu.
Năm 2022, Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch khoảng 6.000 tấn sầu riêng
Ông Nguyễn Hắc Hiển, phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, cho biết diện tích sầu riêng của toàn quốc dao động từ 85.000 – 90.000ha, sản lượng 1,3 triệu tấn. Trong đó diện tích riêng của tỉnh Đắk Lắk chiếm 17,6% diện tích (hơn 15.000ha) của cả nước và là tỉnh có diện tích sầu riêng thứ 2 sau tỉnh Tiền Giang.
Hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 76 mã (51 mã vùng trồng và 25 mã cơ sở đóng gói) trong cả nước, thì Đắk Lắk có 23 mã vùng trồng với gần 1.500ha và 4 mã cơ sở đóng gói.
Toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp được phép mua sầu riêng có mã vùng trồng, sản lượng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hết năm 2022 là khoảng 6.000 tấn.
Nguồn: tuoitre.vn