Quan hệ sugar baby – sugar daddy là “vùng xám” trong đạo đức xã hội, là ‘quả bom hẹn giờ’ khi tiềm ẩn quá nhiều yếu tố tác động tiêu cực.
Cuối tháng 4, Công an tỉnh Quảng Trị điều tra vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến “bố nuôi”, “con nuôi”. Trong vụ án này, Trần Thanh Tuấn (31 tuổi, trú tại khu phố 8, phường 3, TX Quảng Trị) bị bắt để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tuấn dùng mạng xã hội tham gia vào các diễn đàn ghép đôi sugar daddy- sugar baby với vỏ bọc là doanh nhân giàu có, muốn tìm người tâm sự.
Sau khi kết đôi với chị L.T.V. (35 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), Tuấn rủ rê chị này trao đổi clip có nội dung nhạy cảm rồi cắt ghép clip có hình ảnh chị V., dùng video đó đe dọa, buộc chị phải chuyển cho Tuấn 20 triệu đồng.
Trần Thanh Tuấn tại cơ quan điều tra |
Vì lo sợ hình ảnh nhạy cảm của mình sẽ bị phát tán, chị V. đã phải 2 lần chuyển cho Tuấn, mỗi lần 10 triệu đồng.
Trong một diễn biến khác, giữa tháng 10, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) bắt giữ Trọng Thắng (SN 1993), người điều hành đường dây môi giới sugar baby – sugar daddy trên mạng xã hội.
Thắng lập group mang tên Sugar Baby và đăng bài với nội dung kết nối sugar daddy (khách mua dâm) với sugar baby (gái bán dâm), cam kết “uy tín, kín đáo, thành công”.
Các sugar baby sẽ đưa ra các mức giá để sugar daddy chu cấp, dao động từ 15 – 20 triệu đồng/tháng, tương ứng 4 – 8 lần gặp (quan hệ tình dục).
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an từng đưa ra cảnh báo những “sugar baby – sugar daddy” có thể trở thành nạn nhân của hành vi cướp, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, đe dọa đến tính mạng, tinh thần và cả thể xác.
Và việc hoạt động mại dâm biến tướng dưới dạng “sugar baby – sugar daddy” cùng với những yếu tố tác động tiêu cực khác của văn hóa, xã hội dưới mặt trái của cơ chế thị trường cũng là một trong những điều kiện dẫn đến việc “trẻ hóa” người bán dâm, môi giới mại dâm.
Hình thành một xu hướng của lối sống tiêu cực
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sỹ Xã hội học Nguyễn Như Trang (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, hiện tượng sugar baby – sugar daddy không còn trong các phạm vi nhỏ hay ở các nhóm kín.
Hiện nó công khai lộ liễu trên các trang mạng xã hội, thậm chí len lỏi trong các câu chuyện của nhóm bạn bè. Điều này cho thấy, nó bắt đầu hình thành một xu hướng của lối sống tiêu cực trong xã hội.
Theo bà Nguyễn Như Trang, mối quan hệ sugar baby – sugar daddy có thể làm phát sinh các mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, có thể phá vỡ thiết chế hôn nhân, khi gần đây các vụ việc đánh ghen có nguyên nhân bắt nguồn từ sugar baby – sugar daddy xảy ra, gây nên những dư luận xấu trong xã hội.
Mối quan hệ này còn dẫn đến những rủi ro khôn lường như lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc hay các tài sản có giá trị.
Nhắc đến những hệ lụy của mối quan hệ sugar baby – sugar daddy, theo bà Trang, đó là những hệ lụy đến đạo đức, đến thuần phong mỹ tục, tác động đến phẩm chất con người khi sugar baby có những người còn rất trẻ, chỉ vừa mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách.
“Hiện tượng sugar baby – sugar daddy còn làm lệch lạc suy nghĩ, lệch lạc lối sống khi sugar baby sẵn sàng đánh đổi nhân phẩm của mình để lấy tiền bạc và các giá trị vật chất khác.
Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống trong giới trẻ, gây ra sự tò mò đối với bạn bè xung quanh, khi những sugar baby này có thể gián tiếp tạo ra tâm lý muốn trở thành sugar baby đối với những người bạn của mình”, bà Trang cho hay.
Vẫn theo Tiến sỹ Xã hội học Nguyễn Như Trang, về phía sugar daddy, nếu mối quan hệ với sugar baby bị vợ con phát hiện, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hôn nhân của họ mà còn ảnh hưởng đến vai trò làm cha trong nuôi dạy con cái của mình.
Tiến sỹ Nguyễn Như Trang cho rằng, hiện tượng sugar baby – sugar daddy là “vùng xám” trong đạo đức xã hội, nếu mối quan hệ này tiếp tục có sự phát triển mà chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay.
Bản thân sugar daddy hay sugar baby là những người có nhu cầu rõ ràng để tìm đối tác của mình.
Họ sử dụng các mối quan hệ, các phương tiện thông tin như các trang mạng xã hội, sử dụng nguồn lực cá nhân của mình như tiền bạc và địa vị xã hội, sắc đẹp, tuổi trẻ,… để tìm kiếm những “bạn tình” phù hợp.
Ở đây, họ dùng ý chí chủ quan cá nhân của mình để thực hiện hành vi mà mình mong muốn. Chính vì thế, rất khó tác động trực tiếp vào nhóm này theo hướng tuyên truyền thay đổi hành vi.
Luật pháp hiện cũng chưa có quy định cụ thể hay các chế tài đối với hiện tượng này, dù chúng ta ai cũng biết rõ bản chất của mối quan hệ sugar daddy – sugar baby là lao động tình dục, là mại dâm trá hình.
Cũng rất khó để thực hiện các can thiệp trực tiếp do mối quan hệ giữa sugar daddy và sugar baby là mối quan hệ ngầm.
“Hiện tượng sugar daddy – sugar baby đang có xu hướng tạo nên một lối sống thiếu lành mạnh, có thể tác động tiêu cực đến sự suy thoái của đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa lâu đời của người Việt.
Thực trạng trên đã gióng hồi chuông cảnh báo đến các gia đình, các bậc làm cha làm mẹ, đến thế hệ trẻ và toàn xã hội. Các cơ quan hữu quan cần thực hiện các chức năng quản lý của mình trong giám sát đối với hiện tượng xã hội tiêu cực này”, ý kiến của Tiến sỹ Xã hội học Nguyễn Như Trang.
Nguồn: vietnamnet