Quan chức Nhật Bản nhận định Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc chỉ là sự “phô diễn chính trị” và thiếu đi sự thực chất.

Quan chức Nhật Bản chỉ trích tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc - 1

Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Tadashi Maeda (Ảnh: SCMP)

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Washington, ông Tadashi Maeda, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), đã chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Ông Maeda cho rằng sáng kiến này thiếu “những chương trình” thực sự để giúp đỡ các nước đang phát triển.

“BRI chỉ là màn phô diễn chính trị, và không có định nghĩa rõ ràng về việc nó chính xác là gì… BRI hiện diện ở khắp mọi nơi”, ông Maeda, người đứng đầu cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản, nói.

Theo ông Maeda, Trung Quốc “chưa hiểu đầy đủ” về sự thực chất cũng như các vấn đề khác có liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu. Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho rằng một số nước tham gia BRI đang phải hứng chịu hệ quả từ các khoản nợ khổng lồ liên quan tới các dự án của Trung Quốc tại đất nước của họ.

Nhật Bản lo ngại rằng các dự án BRI đang góp phần đẩy mạnh tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản cũng đều lo ngại sáng kiến của Trung Quốc rốt cuộc sẽ làm thay đổi trật tự kinh tế do các cường quốc truyền thống thiết lập.

Ra đời từ năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh bị cáo buộc sử dụng sáng kiến này để đẩy mạnh chương trình chính trị, đồng thời gia tăng ảnh hưởng cũng như quyền lực trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ.

Khi làn sóng chỉ trích ngày càng tăng lên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã ngụ ý rằng Bắc Kinh đang điều chỉnh chiến lược của nước này để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ông Tập khẳng định BRI không nhằm tạo ra một “câu lạc bộ Trung Quốc”, mà chỉ hướng tới mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại các nước đối tác.

“Sáng kiến của Nhật Bản thì khác. Nó dựa trên 3 trụ cột: thúc đẩy luật lệ, tự do di chuyển và tự do thương mại. Xét trên phương diện nào đó, sáng kiến này có thể thế chỗ Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Maeda, người từng đóng vai trò cố vấn đặc biệt cho nội các Nhật Bản, cho biết.

Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) là phiên bản BRI của Nhật Bản. Ông Maeda cho biết Nhật Bản đặc biệt chú ý tới việc hợp tác với Đài Loan trong dự án của mình.

“Tôi có cuộc gặp riêng với cố vấn an ninh của Đài Loan và người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Đài Loan về việc tham gia của Đài Loan vào dự án này”, ông Maeda nói.

Theo ông Maeda, Nhật Bản không thể mời Đài Loan như một đối tác chính thức, nhưng hòn đảo này vẫn có thể tham gia vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở cấp độ giao dịch.

John Sitilides, chiến lược gia địa chính trị tại Washington, nhận định sự tham gia của Đài Loan vào chiến lược phát triển khu vực của Nhật Bản sẽ có “tác động trực tiếp tới Sáng kiến Vành đai và Con đường tham vọng của Trung Quốc”.

“Nhật Bản sẽ duy trì và củng cố hơn nữa các chính sách đối ngoại và quốc phòng độc lập của nước này, các liên minh và thỏa thuận thương mại, bao gồm các cơ hội để có được lợi ích thương mại lớn hơn với Đài Loan, trong khi vẫn chỉ công nhận quan hệ ngoại giao chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, chuyên gia Sitilides cho biết.

Theo ông Sitilides, mục tiêu chung của Mỹ và Nhật Bản là “kiểm soát sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực cũng như các chiến lược mở rộng quyền lực của nước này”.

Theo Dân Trí

Từ khóa : nhật bảntrung quocVành đai Con đường

Các tin liên quan đến bài viết