Lại một năm mới – mùa xuân Đinh Đậu 2017 sắp gõ cửa mọi nhà, đó cũng là lúc tất cả các cánh rừng cao su trút lá vàng, khoác lên mình màu xanh non tươi mát, báo hiệu một tín hiệu tốt lành đó là giá cao su đã qua hồi bĩ cực. Và không vui sao được, khi cao su tăng giá thì tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt nam đều tăng lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên, khuyến khích người lao động đón một mùa xuân Tết Đinh Dậu với niềm tin, tràn đầy sức sống…
Đến với Tổng Công ty Cao su Đồng Nai vào một ngày sắp kết thúc năm 2016 để dự Hội nghị “Sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh – trật tự, trị an, bảo vệ an ninh kinh tế giữa Tổng Công ty với Công an tỉnh Đồng Nai”, tôi có dịp gặp những cán bộ cốt cán của Tổng Công ty. Ông Đỗ Minh Tuấn, Quyền Tổng giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, năm 2016 cao su Đồng Nai gặp muôn vàn khó khăn. Giá cao su xuống thấp, hàng ngàn công nhân bỏ việc do lương thấp, thời tiết khí hậu mưa liên tục vào buổi sáng, không thể khai thác cao su được, làm giảm sản lượng khai thác… Với một quyết tâm cao, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên khi năm 2016 sắp khép lại, khi gặp lại chúng tôi ông Tuấn tay bắt, mặt mừng bởi cao su bán được giá. Năm 2016, Tổng Công ty đã bán ra thị trường trên 30.000 tấn cao su các loại với giá bán được trên 31 triệu đồng/tấn. Tổng lợi nhuận trên 300 tỷ đồng, với 6.100 cán bộ, công nhân viên, thu nhập về lương năm 2016 đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng, thưởng tết dự kiến 3 tháng lương. Vậy là Tết Đinh Dậu đến, mọi người, mọi nhà ở cao su Đồng Nai đều có cái tết vui vẻ, đầm ấm…
Nhộn nhịp trong giờ giao mủ của công nhân đội 3, Nông trường Lợi Hưng – Ảnh: Tư liệu
Đến với vùng cao su tây nguyên vào những ngày cuối năm Bính Thân này, niềm vui đến với tất cả các đơn vị cao su. Khi giá bán cao su tăng lên, lương, thưởng công nhân cũng tăng theo. Không còn nỗi lo công nhân bỏ việc, chặt phá cây cao su để trồng cây khác. Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là đơn vị đầu tiên trong ngành cao su hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016, về trước kế hoạch năm 41 ngày. Đây là công ty 5 năm liền đứng trong câu lạc bộ 2 tấn/ha của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ước tính năm 2016, Công ty tiêu thụ trên 15.000 tấn cao su các loại, giá bán gần 30 triệu đồng/tấn, lợi nhuận 61 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 30 tỷ đồng. Điện thoại trao đổi với ông Lê Khả Liễm, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông hồ hởi cho biết, năm 2016 năng suất vườn cây của công ty đạt bình quân trên 2 tấn/ha, có nông trường năng suất vườn cây 2,5 tấn/ha. Với 2.500 cán bộ, công nhân viên và 5.000 hộ nhận khoán và cao su liên kết. Mức thu nhập về lương đạt bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, thưởng tết 16 triệu đồng/người. Vậy là mọi nhà, mọi gia đình của tất cả cán bộ, công nhân viên cao su đều có tết. Cả một vùng cao su rộng lớn hơn 10.000 ha xanh tươi, tràn đầy sức sống sau mùa đổ lá báo hiệu tín hiệu tốt lành sẽ đến với cao su Kon Tum trong năm 2017.
Tôi có dịp dự Hội nghị “Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh Bình Dương với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa” vào những ngày cuối năm 2016 mới thấy quy mô, bề thế và sức mạnh từ 2 công ty của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt nam ở tỉnh Bình Dương. Với diện tích cao su do hai công ty quản lý là 42.385 ha nằm trên địa bàn 32 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã của tỉnh Bình Dương. Số lượng cán bộ, công nhân viên gần 12.000 người. Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trong năm 2016 đã khai thác được 26.800 tấn cao su quy khô, năng suất vườn cây 1.67 tấn/ha. Số lượng cao su chế biến 37.150 tấn, trong đó có 13.000 tấn cao su thu mua của dân. Kết quả sản xuất kinh doanh với lượng cao su tiêu thụ 39.902 tấn cao su các loại, giá thành bình quân tiêu thụ 30,38 triệu đồng/tấn, giá bán cao su trong năm 2016 là 32,87 triệu đồng/tấn. Tổng lợi nhuận đạt trên 300 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 100 tỷ đồng. Với 7.904 cán bộ, công nhân viên, thu nhập về lương đạt bình quân 6,92 triệu đồng/người/tháng. Thưởng Tết 15,4 triệu đồng/người. Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa thu nhập tiền lương bình quân 5 năm qua (2011-2015) đạt 7,03 triệu đồng/người/tháng. Riêng thưởng tết cho gần 6.000 cán bộ, công nhân viên đạt bình quân trên 8 triệu đồng/người. Cả hai Công ty Dầu Tiếng và Phước Hòa trong 5 năm qua đã làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn hơn 100 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất, kinh doanh của hai công ty cao su trên địa bàn thực hiện được như vậy là kết quả hết sức to lớn, làm đổi thay bộ mặt nông thôn rộng lớn trên đất Bình Dương theo hướng giàu đẹp, vững mạnh toàn diện.
Nhìn chung, toàn cảnh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam năm 2016 gặp muôn vàn khó khăn do giá mủ cao su đầu năm xuống rất thấp nhưng đến cuối năm giá cao su trên thị trường trong nước và thế giới tăng, làm giảm áp lực cho lãnh đạo ngành cao su và các đơn vị thành viên. Một số công ty cao su ở Tây Bắc đã mở miệng khai thác như Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Theo các chuyên gia ngành cao su đánh giá lượng mủ và chất lượng mủ cao su khai thác được đạt yêu cầu, xóa tan những mối nghi ngờ rằng đầu tư Tây bắc không hiệu quả, ném tiền qua cửa sổ. Mặc dù tất cả các công ty trên vùng Tây Bắc chưa sinh được lợi nhuận nhưng lãnh đạo tập đoàn rất quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo các đơn vị phải có thưởng tết cho công nhân cao su, để họ hưởng tết vui tươi, lành mạnh, gắn bó với nghề đã chọn là công nhân cao su.
Ước tính, toàn tập đoàn năm 2016 đã khai thác được 25.200 tấn cao su, vượt kế hoạch khoảng 7.000 tấn, tiêu thụ 320.000 tấn cao su các loại, 1 triệu m3 gỗ chế biến, tổng doanh thu 18,340 tỷ đồng, tổng lợi nhuận hơn 2,350 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà Nước 1,100 tỷ đồng. Với gần 90.000 cán bộ, công nhân viên, thu nhập về lương đạt bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Thưởng tết bình quân toàn tập đoàn bằng hai tháng lương cơ bản. Vậy là Tết Đinh Dậu 2017 tất cả mọi nhà, mọi người trong ngành cao su đều đã có thưởng, lo được tết cho gia đình mình và về quê ăn tết, thăm lại người thân sau một năm lao động vất vả, cực nhọc. Dự báo, giá cao su trong nước và thế giới sẽ ấm lên, khả năng đạt từ 40 triệu đồng/tấn trở lên trong năm 2017, vậy là cao su đã qua hồi bĩ cực. Trong một buổi gặp gỡ cuối năm giữa các nhà báo chúng tôi với anh Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng Ủy – Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhà báo Trương Đăng Lân mới dí dỏm đọc hai câu thơ:
“Ước gì giá mủ lên cao
Để cao su đến nơi nào cũng vui”
Ngay lập tức, không cần phải đắn đo suy nghĩ lâu, anh Trần Ngọc Thuận đáp lại ngay:
“Tuy rằng giá mủ chưa cao
Nhưng cao su đến nơi nào cũng vui”
Lời đối của người lãnh đạo cao nhất ngành cao su làm chúng tôi xúc động, phấn khích vì bao quát toàn bộ ý nghĩa: Cây cao su là cây xóa đói giảm nghèo, trồng được cao su là xây dựng được cở sở vật chất hạ tầng ở mọi vùng, miền của Tổ quốc như đường, điện, trường, trạm… đảm bảo môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng được giữ vững…
Bài, ảnh: Thanh La (BPO)