Là điểm sáng của miền Đông Nam Bộ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Mới đây, tỉnh Bình Phước (BP) đã lên kế hoạch “đào tạo nguồn nhân lực NNCNC tỉnh BP”. Đặc biệt, trong đó có việc đào tạo 500 nông dân thế hệ mới, theo hướng NNCNC.

Mô hình trồng rau thủy canh không cần đất (ảnh minh họa). Ảnh: Thạch Thảo. (Nguồn zing.vn)
Mô hình trồng rau thủy canh không cần đất (ảnh minh họa). Ảnh: Thạch Thảo. (Nguồn zing.vn)

Các học viên sẽ được đưa sang Nhật học làm nông nghiệp trong vòng 3 năm. Dự kiến kinh phí đào tạo cho mỗi học viên khoảng 25 triệu đồng/tháng v.v… Ngoài ra, dự án đào tạo nông dân theo kiểu Nhật cũng sẽ góp phần cho ra một đội ngũ cán bộ dạy tiếng Nhật riêng cho tỉnh BP…

Ai cũng biết nước Nhật trước khi trở thành một nước công nghiệp hiện đại, từng là nước sản xuất nông nghiệp lâu đời. Sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã biến Nhật Bản trở thành đất nước có nền nông nghiệp vào hàng chuẩn mực của thế giới. Không phải ngẫu nhiên, người Nhật có tuổi thọ nhất thế giới, thực phẩm Nhật Bản cũng tinh tế hàng đầu thế giới… Ông Hồ Như Phợt – Chủ nhiệm HTX rau sạch tỉnh BP – nói: “Mặc dù VN cũng có một nền nông nghiệp lúa nước truyền thống, lâu đời, trải qua hàng ngàn năm. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải học hỏi kinh nghiệm làm nông của người Nhật. Đất đai nước Nhật đa phần là đồi núi. Nhật không có những cánh đồng phì nhiêu tít tắp chân trời. Người Nhật phải thường xuyên chống chọi với núi lửa, động đất, sóng thần… Từ khốc hại đó mà người Nhật xây dựng cho mình một nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới. Do đó, không có lý gì chúng ta không học hỏi người Nhật”.

Ở không ít bộ, ngành và địa phương, ngân sách đã tốn kém không ít cho những chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các nước Âu, Mỹ, Singapore…, về các lĩnh vực về quản lý nhà nước, quản lý đô thị, phát triển công nghiệp…, mà hiệu quả cũng chưa tới đâu. Chuyện cử nông dân Việt sang học hỏi nông dân Nhật như tỉnh BP, lại là chuyện… xưa nay hiếm. Một cán bộ tỉnh BP cho biết, có không ít ý kiến rằng, VN đã là một nước nông nghiệp, sản xuất lúa hàng ngàn năm, lại là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới…; cớ sao đi sang Nhật học làm nông dân làm gì? Vâng, có mấy ngàn năm làm lúa nước, nhưng người nông dân vẫn cơ cực. Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng chất lượng gạo chưa qua nổi Thái Lan. Đồng lúa bạt ngàn, nhưng năng suất có hạn… Nói cho cùng, hãy vứt bỏ đi cái tư duy “tự sướng” giống AQ rằng, cái gì mình cũng là nhất, không cần học hỏi ai cả… BP đã rất thực tế, khi vượt qua lối suy nghĩ sáo mòn ấy để cử nông dân BP qua Nhật, học làm nông dân kiểu Nhật.

Nguồn: Báo Lao động

Từ khóa : kinh nghiệmngân sáchnguồn nhân lựcphát triển công nghiệpquản lý đô thịquản lý nhà nướcsản xuất nông nghiệp lâu đời

Các tin liên quan đến bài viết