Trong cà phê có nhiều thành phần khiến cho vết loét dạ dày nghiêm trọng hơn. Nếu sử dụng lâu dài, người bệnh không chỉ đối diện với đau dạ dày mà còn hàng loạt biến chứng nghiêm trọng khác.
Cà phê là thức uống được nhiều người ưa chuộng
Trả giá sức khỏe vì tìm đến cà phê để tỉnh táo
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết với người Việt Nam, cà phê là thức uống “quốc dân” nhiều người sử dụng nhằm cho tinh thần thoải mái, sảng khoái, tỉnh táo.
Tuy nhiên, cà phê chỉ thực sự có hiệu quả khi sử dụng một lượng vừa đủ. Trong cà phê cũng có thành phần là chất kích thích không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh dạ dày.
Trên thực tế, các nghiên cứu đã chứng minh trong cà phê có nhiều thành phần khiến cho vết loét dạ dày nghiêm trọng hơn. Nếu sử dụng lâu dài, người bệnh còn phải đối diện với hàng loạt biến chứng nghiêm trọng khác. Thực tế nhiều người đã mắc bệnh.
Anh Minh Khôi (32 tuổi, Hà Nội – nhân viên IT) lựa chọn cà phê là đồ uống “ruột” trong nhiều năm nay. Anh chia sẻ công việc hằng ngày làm việc với các thuật toán, những con số nhảy múa liên tục nên chỉ cần một phút lơ là có thể gặp sai sót. Vì vậy, để tập trung trong công việc, anh thường sử dụng cà phê không lỡ ngày nào.
“Thông thường một ngày mình sẽ sử dụng từ 4-5 cốc cà phê. Mình biết cà phê có nhiều công dụng và nhiều tác hại, nhưng vì thói quen và công việc mình vẫn phải sử dụng nó hằng ngày vì chưa tìm thấy đồ uống nào thay thế có hiệu quả tốt hơn”, anh nói.
Uống nhiều cà phê dễ gây đau dạ dày
Trong nửa năm trở lại đây, anh bắt đầu thấy đau bụng, đau âm ỉ vùng thượng vị, nhiều khi đau quặn thành từng cơn. Cách đây 3 tháng, anh đi kiểm tra sức khỏe, ngoài kết quả thị lực giảm sút, anh được bác sĩ kết luận viêm loét hang vị dạ dày.
Kết quả làm anh cũng rất bất ngờ, anh đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kiểm tra lại và có kết quả tương tự. Sau thời gian điều trị thuốc và chuyển dần sang nước ép hoa quả, nước lọc, tình trạng viêm loét dạ dày của anh đã cải thiện nhiều.
Tương tự, ông Xuân Toán (57 tuổi, Hưng Yên – hiện tại đã nghỉ hưu) hơn 20 năm nay xem cà phê như thức uống không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Từ khi còn trẻ, đi làm mỗi ngày ông thường uống 4 tách cà phê.
3 năm nay từ khi nghỉ hưu, ông thường dậy sớm tập thể dục rèn luyện sức khỏe, chăm sóc vườn tược. Thói quen dậy sớm, việc đầu tiên là pha cốc cà phê uống cho tỉnh táo. Ông chia sẻ có những hôm ông xem cà phê như bữa sáng của mình không cần ăn thêm.
Tháng 3-2023 ông đi khám sức khỏe, bác sĩ đưa ra kết luận ông có một ổ viêm loét bên phía bờ cong lớn làm ông hết sức ngạc nhiên. Vì ông tự nhận thấy là một người sống rất lành mạnh, ăn uống giờ giấc đảm bảo, tập thể dục đều đặn và hơn hết là triệu chứng đau dạ dày xuất hiện không thường xuyên làm ông chủ quan.
Sau khi phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ đưa ra kết luận có thể thói quen uống cà phê của ông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm loét dạ dày, nếu không khắc phục ngay có thể dẫn đến ung thư dạ dày…
Ung thư dạ dày sẽ gõ cửa nếu lạm dụng cà phê
Bác sĩ Tuấn cho biết cà phê chứa caffeine, chất kích thích hoạt động dạ dày và dẫn đến các triệu chứng như đau dạ dày, khó tiêu, nôn mửa và tiêu chảy. Tác hại của cà phê được biết đến nhiều nhất là mất ngủ. Chất lượng giấc ngủ không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, da… Vì vậy, chỉ nên sử dụng cà phê vào ban ngày, hạn chế buổi tối.
Trường hợp dùng cà phê để thay thế bữa sáng như bệnh nhân trên tiềm ẩn rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, cần phải loại bỏ và thay đổi.
Sau một đêm dạ dày thường trống rỗng và tiết ra một loại axit có tên là hydrochloric (HCI). Nếu ở mức độ vừa phải, axit này sẽ xử lý thức ăn để việc tiêu hóa tại dạ dày được diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Chính vì lý do này, chúng ta cần phải nạp thức ăn vào để axit có nguyên liệu để thực hiện hoạt động phân hủy thức ăn. Nếu dạ dày trống thì lượng axit này có thể bào mòn và làm hại dạ dày dẫn đến hiện tượng cồn cào ruột.
“Việc thay thế điểm tâm bữa sáng bằng cà phê được cho là hành động tiếp tay cho loại axit hydrochloric được tiết ra nhiều hơn và dẫn đến tình trạng dạ dày có thể bị tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là phần niêm mạc dạ dày và ống tiêu hóa. Nếu không kịp thời thay đổi thói quen xấu này, bạn sẽ có thể phải đối mặt với bệnh ung thư dạ dày” – bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, caffeine còn có tác dụng kích thích tiết axit trong dạ dày, đặc biệt là đối với những người có dạ dày nhạy cảm hoặc bị loét dạ dày, viêm dạ dày. Uống quá nhiều cà phê cũng có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi, sắt và các loại khoáng chất khác.
Bác sĩ Tuấn cũng đưa ra cảnh báo, phụ nữ đang mang thai là người mắc bệnh tim mạch không nên sử dụng cà phê, bởi việc hấp thụ nhiều caffeine có thể làm nhịp tim đập nhanh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non. Bên cạnh đó không sử dụng cà phê với nồng độ quá đặc, kiểm soát lượng đường cho vào cà phê.
“Nếu bạn có dấu hiệu như đau dạ dày, khó tiêu sau khi uống cà phê, hãy giảm liều lượng cà phê hoặc thay thế bằng các loại thức uống khác như trà xanh, nước hoa quả tự nhiên hoặc nước lọc.
Khi bạn có bất kỳ triệu chứng đau dạ dày hoặc loét dạ dày, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời” – bác sĩ Tuấn khuyên.
Nguồn: tuoitre.vn