Theo nhiều nhà quản lý, mức hỗ trợ từ 13-20 triệu/năm cho giảng viên học tiến sĩ theo diện Đề án 89 để thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị… ở trong nước là quá bèo bọt.
Theo dự thảo mới đây của Bộ Tài chính, các giảng viên làm tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở trong nước theo diện Đề án 89 được hỗ trợ học phí, kinh phí để đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài và hỗ trợ thực hiện đề tài luận án.
Mức kinh phí hỗ trợ cho người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước, cho nhóm ngành Y Dược là 20 triệu đồng/người/năm; mức hỗ trợ cho giảng viên làm nghiên cứu sinh ở nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật là 18 triệu đồng/người/năm; Còn giảng viên làm tiến sĩ nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác được hỗ trợ 13 triệu đồng/người/năm.
Mức hỗ trợ nói trên được áp dụng trong thời gian học tại cơ sở đào tạo (không quá 4 năm).
Một thạc sĩ ở TP.HCM, cho rằng mức hỗ trợ từ 13-20 triệu cho các giảng viên làm nghiên cứu sinh để thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước có lẽ chỉ mang tính chất tượng trưng.
Theo ông, kinh phí để thực hiện nghiên cứu là tương đối lớn. Mặt khác để tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước thì nghiên cứu sinh cũng phải chi ở mức khá nhiều.
“Nếu một nhà nghiên cứu đi từ Sài Gòn ra Hà Nội dự hội thảo thì thì tiền vé máy bay đã tầm 4 triệu đồng/người, rồi các khoản như tiền ăn, ở khách sạn. Như vậy mức hỗ trợ này là quá ít và ít hơn rất nhiều kinh phí của nghiên cứu sinh bỏ ra”- vị này nói.
Tuy nhiên, vị này cũng lý giải, lâu nay, mức định giá lâu nay đối với việc nghiên cứu trong nước, hội nghị hội thảo trong nước cũng rất thấp, chất lượng không được đánh giá cao. Có thể đó là lí do khiến Bộ Tài chính đưa ra mức đề xuất hỗ trợ thấp.
Một giáo sư đầu ngành Y, Dược cũng cho rằng mức hỗ trợ 20 triệu/người/năm cho nghiên cứu sinh ở trong nước để thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị là quá “bèo bọt”.
“Mức hỗ trợ này chẳng ăn thua gì. Chỉ 20 triệu/một năm mà một năm thì có bao nhiêu hội nghị, hội thảo. Đề tài luận án thì liên quan các thầy hướng dẫn, tham gia. Trong khi đó cái giá 20 triệu hiện nay mua được gì thì thể hiện rõ”- ông nói.
Trong khi đó theo TS Phùng Minh Tuấn – thành viên hội đồng cố vấn tạp chí kinh doanh ĐH Harvard, nghiên cứu sinh đều có hỗ trợ tài chính của các trường, do vậy con số thế nào cho đủ là rất khó nói. Phần lớn nghiên cứu sinh từ các nước đều được giáo sư hướng dẫn cho làm đề tài nên có hỗ trợ tài chính, đó là nguyên tắc khi nhận nghiên cứu sinh do vậy Bộ phân bổ theo ngân sách chỉ như vậy cũng có thể hiểu được.
Có khuyến khích được nghiên cứu sinh trong nước?
Nhiều người đặt câu hỏi, trong bối cảnh chúng ta đang thúc đẩy nghiên cứu trong nước thì mức hỗ trợ này liệu có thu hút được người học hay không?
Với gần 30% đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhiều người được đào tạo bài bản tại nước ngoài, cơ sở vật chất cho nghiên cứu được đầu tư mạnh mẽ, lãnh đạo một số trường đại học khẳng định đủ sức đào tạo nghiên cứu sinh có chất lượng.
Dù vậy, nhiều trường rất khó để tìm được ứng viên làm nghiên cứu tốt, bởi thường những người này rất nhiều cơ hội tự xin được học bổng du học.
Thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, dù có quy mô đào tạo hàng nghìn nghiên cứu sinh nhưng trong 5 năm (từ năm 2012-2017), ĐH Quốc gia TP.HCM đã không tuyển đủ chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ theo dự kiến. Từ hơn 10.000 thí sinh đăng ký đăng ký dự thi mỗi năm (năm 2012, 2013) đến năm 2014, con số này giảm xuống còn 6.706 thí sinh. Đặc biệt, năm 2017 chỉ còn 2.912 thí sinh dự thi, thấp hơn chỉ tiêu được giao gần 400 người.
Ngoại trừ năm 2012, các năm sau này ĐH Quốc gia TP.HCM đều không tuyển đủ chỉ tiêu tiến sĩ. Cụ thể, năm 2013 chỉ tuyển được 83%, năm 2014 là 84%, năm 2015 là 79%, năm 2016 là 77%…
Theo lý giải của ĐH Quốc gia TP.HCM, một trong những nguyên nhân khiến các trường không tuyển đủ tiến sĩ, thạc sĩ là do xu hướng du học mạnh mẽ, thí sinh có trình độ cao thường đi học theo Đề án hỗ trợ (trước đây là Đề án 911) hoặc học bổng của các trường đại học nước ngoài.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng đồng ý rằng các mức hỗ trợ theo đề xuất của Bộ Tài chính với nghiên cứu sinh của Đề án 89 ở trong nước là tương đối ít. Với mức hỗ trợ này sẽ khó thu hút được các nghiên cứu sinh học và làm việc trong nước, trong khi đó hiện nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu đã được đầu tư mạnh mẽ .
Còn TS Phùng Minh Tuấn đề xuất, nên cân bằng tỷ lệ, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn để những người được tài trợ phải thật xứng đáng. Và cần rõ nhận thức sau khi tốt nghiệp phải phụng sự cho đất nước.
“Nếu hạn chế như thế thì nghiên cứu sinh học 100% toàn thời gian của top 5 trường hàng đầu Việt Nam có thể ngang hàng về chất lượng của trường top nhóm 250-500 thế giới. Cho nên thay đổi nhận thức với nghiên cứu sinh trong nước cũng quan trọng”- ông Tuấn cho hay.
Nguồn: vietnamnet