Năm tài chính sắp kết thúc cũng là lúc nhiều doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch để có bảng thành tích đẹp. Petrolimex là cái tên tiếp theo có những điều chỉnh rất mạnh.
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX) vừa công bố biên bản Đại hội cổ đông bất thường 2022 với một nội dung đáng chú ý: giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hơn 10 lần, từ 3.060 tỷ đồng ban đầu xuống chỉ còn 300 tỷ đồng.
Như vậy, với mức lợi nhuận trước thuế khoảng 605 tỷ đồng trong ba quý đầu năm 2022, nhiều khả năng Petrolimex sẽ đạt hoặc vượt một cách ấn tượng so với kế hoạch mới vừa được điều chỉnh giảm; dù tăng trưởng của tập đoàn bị âm, giảm khoảng 12 lần so với 2021.
Theo giải thích của Petrolimex, nguồn cung và giá dầu thế giới cuối năm biến động bất thường, gây ảnh hưởng đến chi phí tạo nguồn và lợi nhuận. Kế hoạch tập đoàn đặt ra cho cả năm tại ĐHĐCĐ 2022 khó lòng thực hiện được.
Petrolimex điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm hơn 10 lần vào phút chót năm 2022.
Trước đó, Masan (MSN) cũng dự kiến lợi nhuận sau thuế thấp hơn so với kế hoạch ban đầu 2.000-3.000 tỷ đồng, xuống còn 4.800-5.500 tỷ đồng do “thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu”.
CMH Viet Nam (CMS) điều chỉnh lợi nhuận trước thuế giảm gần 99% sau khi báo lỗ hơn 2 tỷ trong 9 tháng.
Nhiều công ty chứng khoán điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh 35-40% như: Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Chứng khoán KS… trong bối cảnh thị trường chứng khoán kém sôi động.
Trong quá khứ, giới đầu tư chứng kiến nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh lợi nhuận vào phút chót do gặp khó khăn như năm 2013 Vietinbank điều chỉnh giảm 1.100 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2013; Ocean Group điều chỉnh giảm kế hoạch lãi cả năm dưới mức thực hiện 9 tháng…
Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh.
Hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 như Eximbank, Savimex, Điện Quang, Xây dựng Hòa Bình, Masco, Ocean Hospitality… Theo đó, tác động của dịch Covid-19 khiến hàng loạt kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn so với trước đó.
Việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh không mang lại lợi ích cho cổ đông, giá cổ phiếu có lẽ cũng không chịu tác động từ diễn biến này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể hưởng lợi nhờ “đạt kế hoạch” đề ra. Họ có thể được thưởng.
Lịch sử cho thấy, mức thưởng cho ban lãnh đạo khá cao trong các lĩnh vực, trong đó có ngành dầu khí.
Thông thường, tới giữa tháng 11, doanh nghiệp có thể xác định tương đối chính xác kết quả kinh doanh cả năm. Việc điều chỉnh kế hoạch sẽ giúp giữ uy tín cho ban lãnh đạo và làm đẹp sổ sách. Thế nên, doanh nghiệp vẫn hoàn thành kế hoạch dù tăng trưởng bị âm.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, doanh nghiệp đặt ra kế hoạch khủng từ đầu năm với một mục tiêu nào đó. Cổ đông và giới đầu tư hào hứng, cổ phiếu thường tăng mạnh. Tới cuối năm, tình hình thay đổi, ban lãnh đạo lại xin ý kiến điều chỉnh kế hoạch.
Nguồn: vietnamnet