Lo ngại Nga sẽ động binh với Ukraina, các hoạt động ngoại giao quốc tế trở nên nhộn nhịp khác thường, với hai nhà lãnh đạo Nga – Pháp hội đàm ở Moscow trong khi Thủ tướng Đức tới Nhà Trắng và giới chức châu Âu sang Kiev.
Washington cho rằng Kremlin đang huy động 110.000 binh sĩ dọc biên giới với Ukraina nhưng đánh giá tình báo không xác định được liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có quyết tấn công nước láng giềng hay không.
Các quan chức ở Washington cho rằng Nga đang triển khai một lực lượng đủ lớn – khoảng 150.000 quân – cho một chiến dịch như vậy và đội quân đó chỉ mất khoảng 48 giờ đồng hồ là có thể chiếm được thủ đô Ukraina, kéo theo một cuộc chiến đẫm máu và dòng di cư lên tới 5 triệu người, chủ yếu sang Ba Lan.
Nga phủ nhận nước này có kế hoạch xâm lược Ukraina và hiện đang tìm kiếm sự đảm bảo từ khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Ukraina sẽ không gia nhập tổ chức này, đồng thời yêu cầu NATO rút quân khỏi các nước thành viên ở Đông Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo sau một hội nghị ở Paris hồi tháng 12/2019. |
Trước những nguy cơ xung đột tiềm tàng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) – hôm nay (7/2) đã lên đường tới Moscow và sẽ sang Kiev trong ngày mai (8/2) nhằm tìm kiếm giải pháp xuống thang khủng hoảng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tuần báo Journal du Dimanche trước khi khởi hành, Tổng thống Macron bày tỏ sự lạc quan rằng ông có thể đảm bảo được mục tiêu này. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Pháp đã có một bình luận khiến các đối tác châu Âu bất an khi dự đoán phương Tây sẽ phải nhượng bộ trước Kremlin.
“Chúng ta phải bảo vệ những người anh em châu Âu bằng cách đề xuất một sự cân bằng mới có khả năng duy trì chủ quyền và hòa bình của họ. Điều này phải được thực hiện trong khi tôn trọng Nga và hiểu được những đau thương hiện thời của dân tộc và quốc gia vĩ đại này”, ông Macron nói trong cuộc khủng vấn. “Cường độ đối thoại mà chúng tôi đã có với Nga và chuyến thăm Moscow lần này rất có khả năng sẽ ngăn được [một hoạt động quân sự] xảy ra. Sau đó, chúng tôi sẽ thảo luận về các điều khoản giảm leo thang”.
“Tôi luôn ở trong một cuộc đối thoại sâu sắc với Tổng thống Putin và trách nhiệm của chúng tôi là xây dựng các giải pháp lịch sử”, Tổng thống Macron khẳng định.
Trong cả hai chuyến thăm, ông Macron dự kiến sẽ thúc đẩy việc thực hiện các Thỏa thuận Minks vốn đang bị đình trệ liên quan lực lượng nổi dậy được Nga ủng hộ ở miền đông Ukraina. Chuyến công du sẽ là canh bạc chính trị đối với đương kim Tổng thống Pháp khi ông đối mặt thách thức tái tranh cử vào tháng 4.
Cùng ngày 7/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington, nơi ông có thể gặp nhiều trở ngại vì sự ủng hộ miễn cưỡng của Đức dành cho Ukraina.
“Chúng tôi đã nỗ lực để gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Nga, rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu can thiệp vào Ukraina”, ông Scholz nói với báo Washington Post trong một cuộc phỏng vấn trước thềm cuộc gặp. “Tôi thực sự đánh giá cao những gì Tổng thống Biden đang làm trong các cuộc hội đàm song phương giữa Mỹ và Nga”.
Trước đó, Tổng thống Biden đã phản ứng việc Nga tăng cường quân tới giáp Ukraina bằng cách điều 3.000 lính Mỹ tới củng cố sườn phía đông của NATO. Tuy nhiên, trao đổi với Fox News ngày 6/2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cam đoan ông Biden “không cử quân đi gây chiến hoặc chiến đấu với Nga ở Ukraina”.
“Chúng tôi cử lực lượng tới châu Âu để bảo vệ lãnh thổ NATO”, ông Sullivan tuyên bố.
Cùng ngày 6/2, Thủ tướng Scholz thông báo Berlin sẵn sàng tăng viện quân tới vùng Baltics ngoài 500 binh sĩ đã có mặt ở Lithuania theo một chiến dịch của NATO.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ tới Kiev cùng với những người đồng cấp Czech, Slovakia và Áo trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày.
Tuần tới, Thủ tướng Scholtz sẽ đến Moscow và Kiev để hội đàm với Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky.
Nguồn: vietnamnet