Năm 2016, dù gặp không ít thách thức nhưng Chi cục Thuế thị xã Phước Long vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, nợ đọng thuế, thuế khó đòi được chuyển sang năm 2017 còn nhiều, trong khi tình hình kinh tế ảm đạm, số doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản lớn đòi hỏi ngành thuế thị xã phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2017.

THU NGÂN SÁCH ĐẠT  171% DỰ TOÁN

Năm 2016, kinh tế khó khăn, nhất là các DN ngoài quốc doanh. Do thị xã có mạng lưới DN nhỏ dày đặc, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh nông sản nên khi giá hoặc sản lượng của điều, cao su… thấp làm ảnh hưởng lớn đến tình hình thu ngân sách. Việc không tự chủ được nguồn cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ khiến các DN chế biến hoạt động cầm chừng, không tạo được “cú hích” tăng trưởng kinh tế. Từ đó, doanh thu phát sinh đưa vào lập bộ quản lý thu thuế thấp.

Nữ kế toán của một DN chế biến điều ở phường Long Phước kê khai thuế tại Chi cục Thuế thị xã Phước Long

Để khắc phục khó khăn, chi cục đã tập trung hoàn thành sớm quyết toán tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; việc lập bộ, thu bộ thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập cá nhân được thực hiện nghiêm qua các kỳ kế toán, đem lại sự hài lòng cho người nộp thuế. Đơn vị còn tập trung thực hiện nhiệm vụ thu, khai thác quản lý tốt các nguồn, tăng cường thu nộp và xử lý nợ đọng thuế tại địa bàn. Kết quả, thu ngân sách trên địa bàn 378 tỷ đồng, đạt 171% dự toán điều chỉnh UBND tỉnh giao và bằng 170% cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh và tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn do đơn vị tích cực vận động và truy thu thuế; giá giao dịch đất tại khu vực trung tâm hành chính mới và vùng lân cận tăng vọt. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ thu thuế đã tạo nguồn lực giúp thị xã cân đối thu – chi ngân sách. Năm 2016, Phước Long đã chi ngân sách hơn 323 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ bản.

KHÓ THU DỨT ĐIỂM NỢ THUẾ

Năm 2016, nợ đọng thuế tại chi cục được kết chuyển từ năm trước là 164,205 tỷ đồng. Trong đó, hơn 84% nợ khó thu, tiền chậm nộp từ các DN. Để hạn chế nợ thuế, ngoài cưỡng chế theo quy định, chi cục còn thông báo nợ thuế đối với 4.070 lượt DN và ra 218 quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của 55 DN tại ngân hàng, thu được 1,431 tỷ đồng. Đồng thời, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng với 7 DN; ngăn chặn việc sang nhượng, tẩu tán tài sản đối với 3 DN, thu được 1,632 tỷ đồng. Đơn vị còn phối hợp rà soát xử lý nợ ảo trên ứng dụng của ngành sau khi khóa sổ và điều chỉnh số thuế nợ sai, nhờ đó thu được 25 tỷ đồng thuế nợ đọng trong năm 2016.

Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Phước Long Võ Minh Hùng cho biết, hiệu quả thu nợ đọng thuế còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một số chủ DN còn kém, nhiều DN làm ăn thua lỗ trong nhiều năm, mất khả năng thanh toán, hiện đã đăng ký giải thể hoặc phá sản, nghỉ kinh doanh và không còn tài sản thế chấp để vay vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh. DN cũng “tránh” kê khai các tài khoản có dòng tiền, chỉ cung cấp những tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ, không đủ để cưỡng chế; việc thu thập thông tin về tài khoản mất nhiều thời gian do DN nợ thuế mở tài khoản tại nhiều ngân hàng ở các địa bàn khác nhau. Vì vậy, công tác đôn đốc, thu nộp và xử lý cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng không hiệu quả. Một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của Luật DN để thay đổi tên, nhân sự,… nhằm trốn thuế, ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách.

Gần đây, trên địa bàn còn xảy ra tình trạng DN sau khi đã thông báo phá sản lại thành lập chi nhánh tại các huyện, thị khác để trốn thuế. Do đó, tiền thuế nợ đọng năm 2016 được kết chuyển sang năm 2017 tại Phước Long là 180 tỷ đồng, tăng gần 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Các DN nợ đọng thuế hầu hết đều nợ tiền hàng mua nguyên liệu, chiếm dụng vốn của tổ chức khác. Trong tình hình kinh tế đang phục hồi chậm, sức mua yếu, lãi mẹ đẻ lãi con nên ngoài khoản thuế, DN còn nợ lương, bảo hiểm của công nhân. Hầu hết DN đều mong ngành thuế khoanh nợ và không tính lãi, tạo điều kiện về hóa đơn để DN tiếp tục hoạt động.

“Chi cục đang phân loại nợ, quản lý nợ thuế theo đúng quy trình, đồng thời đôn đốc, thực hiện các biện pháp thu nợ thuế và quản lý hồ sơ nợ thuế khoa học, chặt chẽ. Đối với nợ khó thu, đơn vị còn phân loại và xử lý tùy theo từng đối tượng, như người nộp thuế nghỉ kinh doanh, chờ giải thể hay mất khả năng thanh toán… nhằm xóa bỏ triệt để tình trạng nợ đọng, đưa thuế thực sự là công cụ điều chỉnh kinh tế vĩ mô” – ông Hùng nói.

Nguồn: BPO

Từ khóa : đơn vịkhó thukinh doanhnợthuếtồn đọng

Các tin liên quan đến bài viết