Việc xã hội hóa giáo dục bậc mầm non ở thị xã Phước Long nhiều năm qua được ngành giáo dục quan tâm đẩy mạnh bởi cơ sở vật chất còn hạn chế. Qua đó đã tạo được sự cạnh tranh giữa trường công lập và tư thục, giúp những trường mầm non công lập “nhìn lại” và thay đổi tích cực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn.
NHIỀU NGƯỜI CHỌN MẦM NON TƯ THỤC
Năm học 2017-2018, trên địa bàn phường Long Thủy có thêm 1 tổ mẫu giáo tư thục. Với quy mô nuôi dạy 50 trẻ, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, Tổ mẫu giáo tư thục Hoa Thủy Tiên đã thu hút được 30 trẻ đến học. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, mẹ bé Nguyễn Tấn Khôi (2,5 tuổi) cho biết: Nhà tôi ở phường Thác Mơ, thấy cơ sở này có nhiều ưu điểm nên gửi con tại đây. Vợ chồng tôi làm công việc tự do mà cơ sở giữ cả thứ 7 nên thuận tiện, có thể giám sát bé 24/24 giờ bằng camera thông qua điện thoại. Mỗi ngày bé được ăn 5 bữa, ở phòng máy lạnh, tắm nước ấm, sân chơi có thảm chống trượt. Trước đây, tôi đã gửi con tại một số cơ sở nhưng chất lượng không bằng mẫu giáo tư thục Hoa Thủy Tiên. Ở đây cháu tăng cân đều, vui vẻ và ngoan ngoãn. Vì vậy với mức học phí 1,7 triệu đồng/tháng tôi vẫn thấy xứng đáng.
Giờ ăn của các cháu tại tổ tư thục mầm non Hoa Thủy Tiên, phường Long Thủy, Phước Long
Cùng suy nghĩ như chị Trang, ông Vũ Văn Phước ở khu phố 1, phường Thác Mơ cũng gửi cháu ngoại tại mẫu giáo tư thục Hoa Thủy Tiên vì cho rằng với đặc thù công việc kinh doanh, gia công hạt điều của đa số bà con địa bàn thì gửi cháu ở tổ tư thục là hợp lý nhất. “Trường công lập không nhận trẻ dưới 2 tuổi, đưa đón phải đúng giờ nên rất bất tiện. Bên cạnh đó, các lớp ở trường công lập rất đông cháu, ít cô nên chăm sóc không bằng ở đây. Tôi thấy gửi cháu ở tổ tư thục tuy học phí cao nhưng đảm bảo, cha mẹ yên tâm làm việc” – ông Phước nói. Cô Bùi Lê Minh Hằng, giáo viên Tổ mẫu giáo tư thục Hoa Thủy Tiên cho biết: Tổ gồm 5 cô có trình độ trung cấp mầm non trở lên, trẻ được chia thành 3 nhóm theo độ tuổi để tiện chăm sóc. Dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và giám sát chuyên môn của Phòng GD-ĐT thị xã Phước Long, tổ đạt các yêu cầu về cơ sở vật chất lẫn chế độ nuôi dưỡng chăm sóc nên thu hút được phụ huynh. Với mức học phí từ 1,4-1,7 triệu đồng/tháng/cháu tùy theo độ tuổi nhưng chưa thấy phụ huynh phàn nàn.
Trên địa bàn phường Long Thủy hiện chỉ có 1 Trường mầm non công lập Sơn Ca với quy mô 18 lớp, gần 500 cháu nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ. Hiện phường đã có thêm 2 tổ mầm non tư thục là Vietstar và Hoa Thủy Tiên góp phần giải quyết vấn đề quá tải ở cấp bậc mầm non tại địa bàn.
CẠNH TRANH BẰNG CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc mầm non, các trường công lập, tổ tư thục phải giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách và chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Muốn vậy, giáo dục mầm non phải thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Bên cạnh đẩy mạnh xã hội hóa, ngành giáo dục tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhằm đảm bảo chất lượng. Cô Lê Thị Ngọc Ánh, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca chia sẻ: Sự giám sát của ngành chức năng là tiêu chuẩn, nhưng thực tế nhu cầu xã hội cao hơn rất nhiều. Vì vậy hiện cả trường công lập và tư thục đều phải nỗ lực thay đổi để đáp ứng cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giáo dục. Qua đó tạo ra sự thi đua cạnh tranh công bằng trong giáo dục.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Phước Long cho rằng, sự ra đời của các tổ mầm non tư thục là tất yếu, nhất là trong điều kiện thị xã chưa đảm bảo đủ cơ sở vật chất cho bậc học mầm non. Mầm non tư thục đã góp phần giải quyết vấn đề quá tải, không tổ chức được bán trú, học trái tuyến… ở thị xã. Tuy nhiên, ngoài các tổ mẫu giáo tư thục, trên địa bàn thị xã còn nhiều nhóm trẻ gia đình nên khó khăn trong công tác quản lý chất lượng giáo dục. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho bậc học mầm non và thực hiện kế hoạch xây dựng 64% trường đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2020, thời gian tới thị xã Phước Long sẽ đầu tư khoảng 70 tỷ đồng xây mới các trường mẫu giáo Sơn Giang, Phước Bình, Họa Mi với tổng kinh phí từ 20-30 tỷ đồng/trường. Cùng với đảm bảo cơ sở vật chất, trong năm học 2017-2018 sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường mầm non thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” và “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Bên cạnh thực hiện thí điểm sẽ tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép để các trường tham dự, học tập và chia sẻ kinh nghiệm.
Nguồn Báo Bình Phước