Phước Long là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang. Trong suốt chiều dài lịch sử, cùng với cả nước, nhân dân Phước Long đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Để ghi lại, phục dựng lịch sử hào hùng đó, Huyện ủy Phước Long (cũ) và Thị ủy Phước Long đã biên soạn bộ Lịch sử Đảng bộ, quân và nhân dân thị xã Phước Long, gồm 2 tập. Tập I giai đoạn 1930-1975 và tập II giai đoạn 1975-2014, đồng thời đã biên soạn truyền thống cấp ủy giai đoạn 1960-2000. Thị ủy cũng đã biên soạn tài liệu “Lịch sử địa phương” để giảng dạy trong các nhà trường; đang sưu tầm tư liệu biên soạn Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Phước Long, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Phước Tín…


Lãnh đạo Thị ủy Phước Long làm việc với các nhà khoa học lịch sử để bàn về việc phục dựng di tích Nhà tù Bà Rá

Những bộ sách này đã giúp các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, giáo viên, học sinh Phước Long ôn lại phong trào cách mạng, quá trình hoạt động của Đảng bộ, quân và dân Phước Long hơn 7 thập kỷ qua. Khẳng định những thành tựu đã đạt được, đồng thời nhận rõ khuyết điểm, yếu kém trong từng giai đoạn lịch sử, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích để tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh do Đảng ta lãnh đạo. Cùng với việc biên soạn lịch sử, Phước Long còn chú trọng đầu tư tôn tạo bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống lịch sử như vườn cây bà Nguyễn Thị Định, bia di tích nhà tù Bà Rá, Nhà bia và đền thờ các liệt sĩ hy sinh tại núi Bà Rá, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng bia tưởng niệm trên 300 đồng bào bị giặc Mỹ tàn sát tử nạn tại khu vực cầu Đắk Lung. Đây thực sự là những địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương.

Việc tìm kiếm, trưng bày, lưu giữ, giới thiệu về lịch sử, giá trị truyền thống vẻ vang của quê hương Phước Long anh hùng, đặc biệt là về Chiến dịch đường 14 Phước Long – chiến dịch đầu tiên mà một tỉnh ở miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng là hết sức quan trọng và cần thiết. Phước Long đã đầu tư xây dựng nhà truyền thống thị xã với số vốn gần 13 tỷ đồng. Đồng thời phát động cuộc vận động hiến tặng các tài liệu, kỷ vật, hiện vật để trưng bày trong nhà truyền thống. Đến nay, nhà truyền thống đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, giáo viên, học sinh, khách du lịch, đặc biệt là các cựu chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường Phước Long đến tham quan, tìm hiểu. Thị xã Phước Long đang kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng nhà truyền thống thị xã thành Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long.

Ngoài ra, thị xã Phước Long phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh phục dựng lại di tích nhà tù Bà Rá mà thực dân Pháp gọi là “Trại lao động đặc biệt Bà Rá”. Đây vừa là trách nhiệm vừa là tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phước Long đối với các bậc tiền nhân. Đồng thời cũng là nơi kết nối các di tích trong quần thể di tích của thị xã Phước Long nói riêng và tỉnh Bình Phước, Đông Nam bộ nói chung; là động lực quan trọng để Phước Long phát triển hơn trong tương lai.

Từ khóa : Nhà tù Bà RáNúi Bà Rá

Các tin liên quan đến bài viết