Trước nhiều câu hỏi của HĐXX, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng cho rằng bản thân không nhớ hết nội dung chi tiết. HĐXX phúc thẩm đã phải công bố một số bút lục lời khai để làm rõ.
>> Phiên tòa xử ông Thăng và đồng phạm bất ngờ tạm dừng
Phiên xử phúc thẩm vụ PVN thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) chiều 21/6 tiếp tục với phần xét hỏi nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng.
Tại tòa, ông Thăng thừa nhận là người ký thỏa thuận số 6934 với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Oceanbank – thỏa thuận về việc góp vốn vào Oceanbank. Khi ký thỏa thuận đó, bị cáo không thông qua HĐQT và nội dung thỏa thuận là do Ban Tổng Giám đốc PVN và Ban Trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt soạn thảo.
Bị cáo Thăng tại tòa phúc thẩm. (Ảnh chụp màn hình)
Đối với Nghị quyết góp vốn số 7289, ông Thăng khai, Nghị quyết này cũng do thư ký HĐTV đệ trình. Trước khi ký Nghị quyết, ông có tổ chức họp HĐTV ngày 30/9/2008 và có biên bản kèm theo. Về nội dung cuộc họp này, theo bị cáo Thăng, từng người đều có ý kiến, sau đó biểu quyết bằng giơ tay trên cơ sở tờ trình của Tổng Giám đốc PVN.
Trình bày trước tòa, bị cáo Thăng khẳng định, bản thân ký ban hành nghị quyết góp vốn có sự đồng thuận tại cuộc họp HĐTV và bị cáo có xem những ý kiến trước khi đặt bút ký.
Đối với các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, bị cáo Thăng khai không nhớ ai là người lập dự thảo và trình bị cáo ký. Nguyên Chủ tịch PVN cũng không nhớ nội dung các văn bản, báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Trước sự “nhớ nhớ, quên quên” của bị cáo Thăng, HĐXX phúc thẩm đã phải công bố một số bút lục thể hiện nội dung một phần các văn bản gửi cơ quan chức năng khi quyết định đầu ra tài chính ra ngoài ngành.
HĐXX tiếp tục xét hỏi về việc thời điểm trình các văn bản và ra nghị quyết góp vốn, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chưa. Bị cáo Thăng lập luận, cái này có trong chủ trương của Chính phủ với mục đích để xử lý hệ quả của việc không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt. Việc đầu tư tài chính vào ngân hàng của PVN nằm trong tổng thể chủ trương của Chính phủ nên không thể chia nhỏ ra được.
“Tôi đề nghị để trả lời có hay không, rồi hay chưa phải nằm trong tổng thể, không thể cắt lát ra để nói có hay không được. Nếu việc có hay không có này không đúng bản chất sự việc, không đúng bối cảnh lịch sử lúc đó sẽ trở thành căn cứ để buộc tội tôi. Tôi không thể trả lời có hay không có mà không giải thích.” – ông Thăng phân bua.
Chủ tọa phiên tòa giải thích, HĐXX hỏi trên cơ sở chứng cứ là các tài liệu, có hay không có tài liệu này, có hay không có nội dung này, HĐXX không hỏi ngoài phạm vi. HĐXX hỏi về hành vi, chưa hỏi về nhận thức. Quyền hỏi thuộc về HĐXX, bị cáo có quyền trả lời hoặc không trả lời.
Ông Thăng sau đó cho biết, bản thân sẽ trả lời trong phần tranh luận.
Trước câu hỏi của HĐXX về các văn bản của cơ quan chức năng gửi PVN, trong đó có văn bản của Bộ Tài chính khuyến cáo cần xem xét, đánh giá kỹ năng lực của ngân hàng trước khi góp vốn, bị cáo Thăng khai không nhớ có nhận được hay không vì hàng ngày phải nhận và xử lý rất nhiều văn bản.
Về các lần chuyển tiền góp vốn cụ thể vào Oceanbank, ông Thăng cho rằng việc đó là của Tổng Giám đốc PVN, ông không phải là chủ tài khoản nên không nắm được.
Tương tự, đối với việc ký văn bản chấp thuận tăng vốn sau lần đầu góp vốn vào Oceanbank, bị cáo Thăng thừa nhận là người ký. Tuy nhiên, khi HĐXX truy hỏi việc tăng vốn đã có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ chưa thì bị cáo Thăng tiếp tục xin “khất” câu trả lời đến phần tranh luận.
Sau cùng, trình bày về lý do kháng cáo, nguyên Chủ tịch PVN nói: “Tôi bị tòa sơ thẩm xử 18 năm tù và tuyên buộc dân sự bồi thường 600 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm đã không xem xét việc PVN trong đề án, điều lệ được tham gia đầu tư tài chính vào ngân hàng.”.
Theo Dân trí