Nếu sự vận hành của nền kinh tế là một cơ thể, hạ tầng giao thông là xương sống thì mỗi một ngành nghề chính là các bộ phận trên cùng một cơ thể.
Ngay thời điểm này, cần lắm những chính sách kịp thời, với mục tiêu rõ ràng, quy định tiêu chí cụ thể nhằm định hướng và kích thích doanh nghiệp tham gia xây dựng kế hoạch tái sản xuất, hướng đến 3 trọng tâm lớn:
Cứ mỗi ngày trôi qua lại có thêm hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Vì vậy, kích hoạt sớm một ngày sẽ “cứu” được rất nhiều doanh nghiệp!
Ông Võ Quốc Thắng
1. Vận hành lại các lĩnh vực, không phân biệt ngành nghề
Sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp A lại là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp B, hoặc sản phẩm của doanh nghiệp A tham gia trực tiếp/phục vụ trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp B… với giá trị sản phẩm thay thế có thể là vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Nhưng hàng loạt doanh nghiệp ngừng sản xuất, ngừng cung ứng, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng bị gián đoạn. Khi đó thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỉ đồng.
Chính sách quan tâm, ưu tiên các ngành, chuỗi cung ứng hàng thiết yếu tham gia tái sản xuất mà bỏ quên các ngành nghề khác, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp. Trong khi bản thân các doanh nghiệp này cũng đang gánh vác hàng trăm, hàng ngàn lao động, liên đới hàng trăm, hàng ngàn hộ gia đình.
Lao động ở ngành nào cũng rất cần thu nhập ổn định để chăm lo cho gia đình. Doanh nghiệp ở ngành nào cũng cần duy trì hoạt động để có nguồn thu, trả lương cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ thuế… Vì vậy, chính sách tái sản xuất cần đảm bảo hài hòa và quan trọng là có tính kích thích sự vận hành đồng bộ của cả nền kinh tế, không phân biệt lĩnh vực, ngành nghề.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng từng nói: “Lúc này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu trừ hàng cấm, tất cả đều quan trọng”. Tôi ủng hộ. Cũng giống như các bộ phận trên cùng một cơ thể, không có một bộ phận nào quan trọng hơn bộ phận nào. Tất cả đều vận hành mới tạo nên một cơ thể hoàn chỉnh và khỏe mạnh!
Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần được hoạt động trở lại, công suất phục vụ tùy vào năng lực của họ, tất nhiên là đáp ứng điều kiện chống dịch phù hợp…
2. Sẵn sàng đối mặt với thách thức, đảm bảo các điều kiện:
– An toàn trước dịch bệnh: cho phép doanh nghiệp dần đưa người lao động vào tham gia sản xuất sau khi sàng lọc số người đã được tiêm ngừa mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 đủ 14 ngày. Đi kèm với đó là một bản kế hoạch tái sản xuất của doanh nghiệp có sự thống nhất của chính quyền địa phương. Trong đó nêu rõ phương án, kịch bản xử lý các trường hợp phơi nhiễm, truy vết và tự bóc tách, cách ly, tự chữa trị tại doanh nghiệp (theo sự hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương).
Song song đó, doanh nghiệp chủ động xây dựng tổ y tế tại chỗ, bố trí khu vực cách ly, chữa trị, thuốc men, dụng cụ test nhanh phục vụ hoạt động phòng, ngừa và chữa trị tại chỗ nếu có người lao động phơi nhiễm.
– Ủng hộ của địa phương: tái sản xuất kinh doanh trở lại theo các cấp độ, chắc chắn không tránh khỏi những rủi ro về dịch bệnh. Nhưng cũng không vì vậy mà tiếp tục duy trì biện pháp siết chặt phòng chống dịch như giai đoạn vừa qua.
Thay vào đó, chính quyền các địa phương cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó linh động hơn, vì mục tiêu phục hồi kinh tế đang vô cùng cấp bách. Các doanh nghiệp, các ngành nghề thường phân bố ở nhiều địa phương khác nhau, có quan hệ cung cầu đan chéo. Cho nên, chỉ một vài địa phương mở cửa cũng không giải quyết được bài toán tổng thể.
– Đồng hành của doanh nghiệp: Giai đoạn đầu có thể nhiều khó khăn và không đảm bảo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp hãy vì mục tiêu chung kích hoạt lại nền kinh tế, nỗ lực tham gia tái sản xuất dù với đơn hàng nhỏ nhất để đảm bảo phục vụ hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, người lao động cần chia sẻ với những khó khăn chung của doanh nghiệp, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch…
Với doanh nghiệp lúc này, chính sách kích hoạt lại nền kinh tế là vô cùng cấp bách, sẽ giúp doanh nghiệp vững tâm hơn, có căn cứ để định hướng rõ ràng những mục tiêu ngắn hạn, sớm “ổn định”, “sắp xếp lại” các hoạt động tại doanh nghiệp trong thời kỳ mới cũng như sẵn sàng đối mặt với hàng loạt các vấn đề khác còn chờ đợi ở phía trước.
3. Cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Cần xây dựng bản đồ COVID-19 toàn quốc. Hiện các tỉnh thành đều có thống kê, phân vùng xanh – đỏ – vàng trong nội tỉnh/thành. Một số tỉnh thành có cập nhật trên các trang thông tin điện tử, truyền thông rộng rãi. Cần có 1 bản đồ COVID-19 toàn quốc trên cổng thông tin điện tử (kết nối tất cả bản đồ COVID-19 của 63 tỉnh thành), cập nhật chi tiết đến đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Người dùng sẽ kiểm tra được địa phương mình dự kiến đi, đến là vùng xanh/đỏ hay vàng, từ đó biết được những chính sách, quy định liên quan tại địa phương đó (mặc định là những quy định chung, áp dụng thống nhất toàn quốc), không tốn thêm công sức thăm dò, tìm hiểu.
Các chính sách di chuyển giữa các vùng xanh – đỏ – vàng trong một tỉnh/TP hoặc từ địa phương này sang địa phương khác cần rõ ràng và đồng bộ. Trong đó, quy định rõ và thống nhất giấy tờ kiểm soát khi đi qua các chốt kiểm dịch. Cần chú trọng giãn cách giữa người với người trong xã hội (thay vì trước đây là giãn cách giữa các vùng địa lý). Phải nhanh chóng triển khai thực hiện đồng bộ chính quyền điện tử tại các địa phương.
Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, chỉ có tiếp tục cương quyết tìm biện pháp phù hợp, mạnh dạn đương đầu với thách thức mới có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu phục hồi toàn diện nền kinh tế, hướng đến giữ vững vai trò, vị thế của VN trong chuỗi sản xuất – cung ứng – tiêu dùng trong khu vực lẫn kết nối toàn cầu.
Đừng để doanh nghiệp loay hoay mãi
Hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy ngừng sản xuất vì không đáp ứng được điều kiện tổ chức hoặc duy trì mô hình “3 tại chỗ”, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, linh kiện phụ tùng thay thế, thiếu hụt nhân công… đang khiến họ cứ mãi loay hoay không có cách nào để tự cứu lấy mình. Trong giai đoạn đầu, nguyên vật liệu còn tồn kho thì doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất “cầm chừng”. Tuy nhiên, những gì là “của để dành” đã được tận dụng triệt để.
Khi Chính phủ đã xác định “đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”… có nghĩa đến lúc phải đưa ra ngay phương án để cứu doanh nghiệp – tế bào của nền kinh tế, trước khi quá muộn!
Nguồn: tuoitre.vn