Quá trình rà soát hàng loạt vụ việc đã có kết luận thanh, kiểm tra, Tỉnh ủy Đắk Nông thống nhất yêu cầu Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo khôi phục khởi tố nhiều vụ việc sai phạm dây dưa, trong đó có vụ lấy đất dành người nghèo cấp cho quan chức.
Liên quan đến việc cấp đất rừng cho quan chức, chiều 28-6, một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết Tỉnh ủy giao Ban nội chính theo dõi, xử lý các vụ việc sai phạm đã có kết luận nhưng chậm khắc phục, có dấu hiệu hình sự.
Trước đó, Đoàn rà soát 144 Tỉnh ủy Đắk Nông có báo cáo về việc rà soát việc thực hiện việc xử lý, khắc phục các sai phạm đã có kết luận thanh tra của trung ương, cấp tỉnh nhưng đến nay chưa khắc phục.
Trong đó, Tỉnh ủy giao Công an tỉnh phục hồi giải quyết kiến nghị khởi tố việc ông Phạm Đặng Quang, nguyên phó ban thi đua khen thưởng, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên ủy viên ban thường vụ, nguyên bí thư Đảng ủy khối các cơ quan doanh nghiệp tỉnh.
Trước đó, tháng 7-2018, Ban thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với ông Quang bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2005 – 2010, 2010 – 2015.
Trong giai đoạn 2008 – 2015, ông Quang là phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glong phụ trách lĩnh vực nông – lâm nghiệp, tài nguyên – môi trường; trưởng Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng của huyện nhưng có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất rừng, quản lý bảo vệ rừng.
Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Quang trực tiếp ký cấp “sổ đỏ” đối với 201,079ha cho 256 hộ dân trên diện tích đất có nguồn gốc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trước kế hoạch 437 của UBND tỉnh là thực hiện không đúng quy định.
Ngoài ra, ông cũng trực tiếp ký quyết định tạm giao đất, giao rừng theo chính sách 135 (chính sách cấp đất để xóa đói giảm nghèo) cho hai nhóm hộ là gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn – bà Từ Thị Khanh và ông Nguyễn Thanh Phong (em trai ông Sơn) – bà Lê Thị Hà với tổng diện tích 54,6ha trái quy định, sai đối tượng.
Hiện nay, trên diện tích này, gia đình ông Sơn, ông Phong đã trồng nhiều cây, dựng nhà cửa, sang nhượng đất cho nhiều người. Việc thu hồi đất giao trái quy định đã có nhiều văn bản từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn chưa thể thực hiện do ông Sơn không hợp tác.
Ngày 16-7-2018, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Ngô Thanh Danh – bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông (lúc đó là phó bí thư thường trực) – cho biết đã yêu cầu Công an tỉnh Đắk Nông điều tra các sai phạm của ông Quang để “thanh lọc bộ máy”. Tuy nhiên sau đó vụ việc không bị khởi tố.
Trả lời phỏng vấn mới đây, ông Ngô Thanh Danh cho biết: “Nếu xét riêng lẻ từng vụ, công an họ nói chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nhưng nếu gộp tất cả sai phạm thì đủ yếu tố để khởi tố, điều tra”.
Vì vậy, liên quan đến các sai phạm trong cấp đất, cấp rừng, đặc biệt cấp đất rừng 135 sai cho quan chức, bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết đã giao Ban nội chính phối hợp Viện KSND, Công an tỉnh Đắk Nông để điều tra, xử lý, báo cáo Ban thường vụ.
Sẽ xử lý vụ ba nhà thầu “ôm tiền tạm ứng bỏ trốn”
Liên quan đến vụ 5 nhà thầu ôm 17 tỉ đồng tiền tạm ứng rồi xù, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết cũng thống nhất biện pháp xử lý các sai phạm tại dự án này.
Theo đó, Tỉnh ủy cũng giao Ban nội chính phối hợp Viện KSND, Công an tỉnh để xử lý 3 nhà thầu thi công gói thầu 1,3 và 6 dự án quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và 4. Ban đầu, có 5 nhà thầu ứng hơn 17 tỉ đồng (giai đoạn 2009 – 2011) nhưng sau đó “xù”, không thi công.
Năm 2015, Sở GTVT Đắk Nông (chủ đầu tư dự án) khởi kiện, có 2 nhà thầu trả lại tiền tạm ứng. Còn lại 3 nhà thầu vẫn ôm hơn 11,6 tỉ đồng không chịu trả, có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Các nhà thầu còn chiếm dụng vốn đầu tư bằng ngân sách, gồm: Công ty TNHH xây dựng Yến Ngân (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, còn chiếm dụng hơn 3,9 tỉ đồng); Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 874 (Hà Nội, còn chiếm dụng hơn 4,4 tỉ đồng); Công ty xây dựng công trình giao thông 875 (Hà Nội, chiếm dụng gần 3,3 tỉ đồng).
Nguồn: tuoitre.vn