Mặc dù là địa phương mới chia tách được 2 năm, nhưng bằng những giải pháp đồng bộ và thiết thực, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững. Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, tính đến hết năm 2016, số hộ nghèo của huyện còn 911 hộ (chiếm tỷ lệ 3,99%, giảm 0,93% so với đầu năm 2016); hộ cận nghèo 559 hộ (chiếm 2,45%).

Huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo

Huyện Phú Riềng hiện có gần 23 ngàn hộ dân với khoảng 93.500 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 10,8%, với khoảng 2.386 hộ. Trong 2 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội dưới nhiều hình thức như: dựa trên những ưu thế, tiềm năng tự nhiên sẵn có để đề ra giải pháp xóa đói, giảm nghèo; tập trung đầu tư và phát triển công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ giúp người dân vận dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo…

Ông Hoàng Văn Thắng – Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Riềng cho biết: “Do vận dụng sáng tạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế địa phương. Vì vậy, đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực xã hội để tập trung vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Trên thực tế, nhờ triển khai tốt các giải pháp giảm nghèo nên số hộ thoát nghèo ngày càng nhiều và tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm”.

Một trong những giải pháp được lãnh đạo huyện triển khai có hiệu quả là tiến hành khảo sát điều kiện thực tế của từng hộ nghèo, từ đó đề xuất hỗ trợ nuôi bò cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện đã triển khai hỗ trợ 66 con bò giống cho 66 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng tại các xã: Long Hà, Long Tân, Phú Trung. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ lòng ghép các hoạt động giảm nghèo như: hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, trợ giúp pháp lý; chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù.

Đặc biệt, để hộ nghèo có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo, huyện đã tiến hành tổ chức các lớp đào tạo nghề đi đôi với việc ưu tiên giới thiệu, giải quyết việc làm cho các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2016, đã đào tạo nghề cho 165 lao động của địa phương; giới thiệu việc làm cho 2.178 lao động; trao tặng 27 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; cấp 2.834 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ cho hơn 4.000 người thuộc các đối tượng là người nghèo, người cận nghèo có thẻ BHYT; tạo điều kiện cho 324 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư sản xuất với số tiền gần 10 tỷ đồng; tiến hành cấp hơn 73 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 1.041 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Hỗ trợ bò giống là một trong những giải pháp hiệu quả đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Phú Riềng
Hỗ trợ bò giống là một trong những giải pháp hiệu quả đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Phú Riềng

Hiệu quả từ nguồn vốn vay

Là một trong những hộ nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế để thoát nghèo, ông Lê Thanh Thức, ở thôn Tân Long, xã Bù Nho cho biết: “Cách đây hơn 2 năm, gia đình tôi rất khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn sống qua ngày với 7 miệng ăn. Bán cái mặt cho đất, bán cái lưng cho trời nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Sau khi huyện được chia tách, được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước nên gia đình tôi được hỗ trợ nguồn vốn vay 45 triệu của Ngân hàng chính sách xã hội huyện và nguồn vốn hỗ trợ của xã. Từ nguồn vốn này  tôi mua bò sinh sản về nuôi. Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định và đã thoát nghèo”.

Cái nghề làm phụ hồ xây dựng cũng là công việc kiếm kế sinh nhai thường ngày của gia đình anh Hồ Công Trung, 43 tuổi, xã Bù Nho. Tuy khác về điều kiện hoàn cảnh so với gia đình anh Thức. Nhưng từ khi gia đình được tiếp cận và vay với số vốn 45 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chỉ trong một thời gian ngắn gia đình anh Trung đã thoát nghèo. Với số vốn ấy, chưa phải là nhiều nhưng đủ anh Trung đầu tư mua đồ nghề cùng anh em, bạn bè làm công trình xây dựng. Đến nay, tuy cuộc sống chưa dư dả nhưng cuộc sống gia đình anh đã từng bước ổn định và ngày một nâng cao. “Thật sự mà nói vài chục triệu đồng đối với nhiều người là nhỏ, nhưng đối với gia đình mình là cả một vấn đề khi cuộc sống vẫn phải đi làm thuê kiếm ăn từng ngày. Từ khi được vay vốn để đầu tư làm ăn, mình thấy công việc mình trở nên ổn định và có thu nhập tốt hơn so với trước đây nhiều. Nếu không có số vốn ban đầu ấy chắc bây giờ mình cũng còn đang đi làm phụ hồ mướn kiếm ăn từng ngày” – anh Trung nói. Gia đình anh Thức và anh Trung chỉ là hai trong số rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay để sản xuất kinh doanh.

Ông Lương Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Bù Nho cho biế, hiện nay, số hộ nghèo vay vốn sản xuất là tương đối nhiều, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có tiềm năng thoát nghèo bằng chính sức lực của họ. Hàng năm, chính quyền địa phương đều phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện sàng lọc, xem xét và tạo điều kiện cho các gia đình nghèo tiếp cận vay vốn. Đa phần những hộ nghèo được vay vốn đều tính toán kỹ lưỡng trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh trước khi được vay. Vì vậy, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Trong những năm trở lại đây đã rất nhiều hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn này. Ngoài ra, chính quyền xã cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho người dân, nhất là các hộ nghèo. Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 1,3% (40 hộ).

Ông Hoàng Văn Thắng cho biết thêm, tình trạng ỷ lại, trông chờ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo của một số người dân vẫn còn tồn tại và họ không muốn thoát nghèo, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, song song với việc thực hiện các chính sách, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân thoát nghèo, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để làm chuyển biến nhận thức cho người nghèo trong việc vận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng phong trào giảm nghèo thông qua biểu dương, khen thưởng các cá nhân là những điển hình tiên tiến, tích cực biết làm ăn hiệu quả để cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, giảm dần các hỗ trợ mang tính trợ cấp, không khuyến khích được tính chủ động vươn lên của người nghèo.

Từ khóa : long hàLong TânPhú Trung

Các tin liên quan đến bài viết