Nhất gia chi chủ lần nữa khắc họa bức chân dung chân thực về người phụ nữ Á Đông luôn lo toan cho gia đình, dẫu xưa hay nay.
Bào Khởi Tịnh (vai cô Diệp) là một phụ nữ nhẫn nại – điểm sáng cho phim Nhất gia chi chủ
Ở tuổi hưu trí, một bà nội trợ vẫn phải đi khắp Đài Bắc để tìm một ngôi nhà mới với giấc mơ “an cư lạc nghiệp”, vun vén hạnh phúc cho cả gia đình.
Người phụ nữ nhẫn nại và kiên định
Phim bắt đầu trên chuyến tàu đang lao đi, cô Diệp ngồi tựa cửa sổ, say sưa ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài và hồi tưởng lại đoạn hội thoại giữa cô và người mẹ. Người mẹ ấy giờ đang rơi vào trạng thái sa sút trí tuệ của người già và ở bệnh viện nhưng thường xuyên trốn đi. Vì thế, cô Diệp muốn đón bà về sống cùng vợ chồng cô trong căn hộ chung cư bộn bề sách với tỉ tỉ thứ của đôi vợ chồng hưu trí.
Vợ chồng cô Diệp hiện lên như những trí thức trung lưu. Cô từng là cô giáo dạy vẽ và nay ở tuổi hưu vẫn tiếp tục là cô giáo dạy vẽ. Căn nhà có đàn, có sách, có tranh và có cả chiếc ghế bành to tướng lạc quẻ. Trên ghế bành ấy, ông chồng về hưu ngự như một vị hoàng đế không động tay động chân vào bất cứ điều gì nhưng thích ý kiến với mọi sự.
Ngay từ đầu, phim đã vạch ra một không gian nhỏ hẹp ngột ngạt. Trong thế giới nhỏ ấy sắp có sự xuất hiện của một bà mẹ 85 tuổi gần đất xa trời, gia đình con trai đang ở nước ngoài định chuyển về và đứa con gái vừa nghỉ việc vừa thất tình cũng đang loay hoay dọn về nương tựa người mẹ.
Cô Diệp nảy ra ý định đi tìm nhà mới để có thể một lần đặt tất cả thành viên gia đình dưới sự che chở của bà. Đến đây, khán giả sẽ hiểu “nhất gia chi chủ” – chủ một nhà – là đang nói đến ai.
Thoạt trông, cô Diệp có lẽ là người dễ tổn thương hay theo một khía cạnh nào đó là dễ bị bắt nạt nhất. Ý kiến, lời nói của cô trong tai người nhà thường không có trọng lượng. Nhưng bằng sự nhẫn nại và kiên định, cô vẫn âm thầm hành động theo hướng mà cô nghĩ là tốt nhất cho cả gia đình.
Một đời chăm lo
Đạo diễn đã phần nào nêu được tình trạng của các thị dân trong xã hội hiện đại. Những mong cầu về một nơi an cư hợp lý nhưng bị rào cản tiền bạc. Những mâu thuẫn trong giá trị về không gian sống, cũng như trạng thái ngưng trệ sau khi về hưu dù sức khỏe thể chất và tinh thần còn cho phép làm việc.
Nhất gia chi chủ không phải thiếu vắng xung đột. Những xung đột ấy dưới bàn tay cô Diệp đã được đè nén lại, trở thành xung đột ngầm ẩn. Trong thời khắc dồn nén nhất cũng không có sự bùng nổ ở các nhân vật. Tất cả như bị vón chặt lại mãi. Kể cả lúc tưởng chừng bế tắc thì cô Diệp vẫn có thể âm thầm gánh vác, và phủi đi. Giống như lời con gái bà, chỉ cần ở cạnh cô Diệp không phải lo gì.
Cảnh xúc động nhất phim có lẽ là lúc cô Diệp để lạc mẹ ở sân bay. Cô đến quầy thông tin tìm trợ giúp. Cô có thể miêu tả vóc dáng của mẹ, nói đúng tên bà. Nhưng khi nhân viên hỏi tên cô là gì thì cô lại thẫn thờ bỗng nhiên không nhớ nổi.
Những giọng nói vang lên trong tâm tưởng cô – “cô La” (gọi theo họ chồng), “chị dâu”, “cô giáo Diệp”, “con dâu”, “mẹ”… và sau mỗi tiếng gọi là một dấu chấm hỏi. Xung đột lớn nhất của toàn phim dường như chỉ diễn ra trong chính tâm tưởng của bà.
Giữa sân bay, bà tự hỏi mình là ai và có lẽ cũng tự hỏi mình sẽ làm gì. Chỉ có tương lai không cần đặt câu hỏi, vì tương lai cũng giống như hôm nay, bà sẽ chăm sóc các thành viên gia đình dẫu không được ghi nhận, dẫu họ có phủ định công sức của bà. Nhưng sự tồn tại của bà là tối quan trọng cho cả gia đình.
Dù dường như không có mâu thuẫn gì được bộc lộ, người cha đã gần như mất kết nối với con trai ở hải ngoại. Mọi điều ông muốn trao đổi cùng con đều thông qua cô Diệp. Vắng cô Diệp, ông phải tự mình đi đổ rác, vì không phân loại rác nên bị nhân viên vệ sinh trả lại. Giây phút bịch rác bị ném xuống đất, dường như mọi uy quyền của ông cũng sụp đổ. Ông nhận ra là thiếu vắng bà, ông cũng không là gì cả.
Nhất gia chi chủ có tên tiếng Anh là Reclaim – nghĩa là “cải tạo”, “đòi lại”… Chính những thứ tưởng như sẽ tồn tại bất di bất dịch, cuối cùng cũng phải được sắp đặt lại, thay đổi.
Bào Khởi Tịnh không phải gương mặt xa lạ với khán giả Việt Nam, nhất là những ai thường xem các bộ phim truyền hình của TVB hay ATV. Gần như suốt sự nghiệp của mình, bà chuyên vào vai người mẹ, người chị, người vợ.
Ở tuổi ngoài bảy mươi, bà vẫn trông trẻ trung năng động để vào vai một bà nội trợ đảm đang. Bào Khởi Tịnh là điểm sáng cho phim bên cạnh diễn viên Khấu Thế Huân trong vai ông chồng.
Nguồn: tuoitre.vn