Đó là nội dung được thảo luận sôi nổi nhất trong kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra ngày 12-7. Trong số 20 dự thảo nghị quyết được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thì hầu hết đại biểu quan tâm nội dung dự thảo nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Trong dự thảo này, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chính sách cho nữ cán bộ, nữ người dân tộc thiểu số (DTTS). Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cho rằng, theo các khoản 1, 2, 3, Điều 6 đã thể hiện sự quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Tuy nhiên, riêng về nữ cán bộ DTTS lại chưa được đề cập đến. Quả thật, đây là đối tượng vẫn còn rất ít trên địa bàn tỉnh và rất cần được quan tâm để hỗ trợ phát triển, tạo nguồn, không chỉ vì sự tiến bộ của phụ nữ mà còn rất cần trong vùng tập trung đồng bào DTTS. Đồng tình về vấn đề này, đại biểu Ma Ly Phước cũng mong muốn HĐND tỉnh bổ sung nội dung chính sách ưu tiên nữ đồng bào DTTS tham gia đào tạo, bồi dưỡng vào nghị quyết. Bởi  lực lượng này còn quá mỏng, chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng chung sống. Bên cạnh những thuận lợi cũng phát sinh nhiều khó khăn khi cán bộ là người DTTS ít hoạt động trong vùng đồng bào DTTS. Việc quan tâm của các đại biểu về vấn đề này vừa là kênh để lãnh đạo tỉnh xem xét, thể hiện chính sách đúng đắn, kịp thời của tỉnh vừa là cơ hội cho nhiều nữ công chức, viên chức nói chung và nữ đồng bào DTTS nói riêng có cơ hội nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển trình độ bản thân, trở lại phục vụ tốt hơn cho cộng đồng, đặc biệt là giới nữ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết ghi rõ: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Chính vì thế, việc quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ nữ, nữ DTTS là việc làm quan trọng và cấp bách. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, tập 14, tr.231). Theo đó, việc HĐND tỉnh tập trung thảo luận về sự phát triển của phụ nữ, nữ DTTS chính là nội dung quan trọng, được đánh giá cao. Vì tính chất quan trọng của dự thảo nghị quyết này nên Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh và thông qua vào kỳ họp sau. Bên cạnh tự thân phấn đấu vươn lên thì chính sách riêng với “đối tượng yếu thế” là cần thiết. Đây không chỉ là chìa khóa của sự nghiệp “giải phóng” phụ nữ mà từ đó chị em còn có điều kiện góp công sức, trí tuệ cho cộng đồng xã hội và góp phần xây dựng đất nước ấm no, giàu mạnh.

An Nhiên

Từ khóa : 24hbinhphuocbinh phuoc 24hNguồn Báo Bình Phước Tin tức Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết