Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, TP.HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Tĩnh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).
Theo kết quả được Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TƯ công bố tại hội nghị tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sáng nay, tổng số dân của Việt Nam hiện nay là 96,2 triệu người.
Trong đó, nam có 47,88 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 48,3 triệu, chiếm 50,2%. Với số dân này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số tăng thêm 10,4 triệu người, bình quân mỗi năm tăng hơn 1 triệu dân.
Hà Tĩnh có mức sinh cao nhất
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TƯ cho biết, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%.
“Mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, đòi hỏi chúng ta vừa phải thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa phải tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực vàng cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Dũng lưu ý.
Hội nghị tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 |
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông tin thêm, tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. Cụ thể, năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.
Đáng chú ý, cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5%, 18,1%.
Tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh 2 con là phổ biến.
Trong đó, tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ).
TP.HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Tĩnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).
Biểu đồ mức sinh |
Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; nam giới là 71, nữ giới 76,3 tuổi. Dân số thuộc dân tộc Kinh là trên 82 triệu người, chiếm 85,3%. Trong 53 dân tộc thiểu số, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mường, H’Mông, Khmer, Nùng; 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người.
Đến thời điểm tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo Công giáo là đông nhất với 5,9 triệu người. Tiếp đến là số người theo Phật giáo với 4,6 triệu người.
Khắc phục cho được tình trạng “chưa giàu đã già”
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong một cuộc tổng điều tra quy mô lớn đã tạo được tiếng vang trên phạm vi quốc tế.
Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau mà vẫn đem lại thành công với chi phí rẻ.
Phó Thủ tướng cho rằng, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, còn phải biên soạn các báo cáo chuyên đề, phân tích đánh giá làm cho số thống kê “biết nói”, có giá trị gia tăng không chỉ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp mà chính cho người dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần phân tích đánh giá làm cho số thống kê “biết nói”, có giá trị gia tăng |
Yếu tố dân số là rất quan trọng để phát triển đất nước, do đó, cần phân tích để vượt được ngưỡng thu nhập trung bình lên mức trung bình cao và thu nhập cao, khắc phục cho được tình trạng “chưa giàu đã già”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp dữ liệu để cung cấp cho các tiểu ban chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ 13 và 63 tỉnh, thành để phục vụ đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm tại các địa phương.
Nguồn: vietnamnet