Cho rằng sáp nhập trường khiến việc đến trường của con em mình gặp nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh ở huyện Anh Sơn, Nghệ An không cho con vào học sau lễ khai giảng năm học mới.

Phụ huynh phản đối sáp nhập trường, hàng trăm học sinh ‘bơ vơ’ - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Khai Lạng, huyện Anh Sơn, Nghệ An ra về khi phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường 
Sáng 7-9, hàng trăm phụ huynh tập trung trước cổng Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2, đóng ở xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) để yêu cầu lãnh đạo địa phương, nhà trường giải quyết việc họ phản đối sáp nhập hai trường cấp hai.

Trường lớp vắng bóng học trò

Nhiều học sinh dù đã vào trong sân trường nhưng cha mẹ đến trường không cho vào lớp học. Khi được hỏi, nhiều phụ huynh đưa ra ý kiến, đề nghị xem xét việc sáp nhập hai trường THCS Khai Sơn và Lạng Sơn.

Trước đó, ngày 6-9, sau ngày lễ khai giảng, hơn 50 học sinh lớp 9 ở xã Lạng Sơn dù đã được chuyển sang cơ sở 1 nhưng các em vẫn đến trường cũ. Do ở trường cũ không còn phòng học cho khối lớp 9 nên các em phải ra về.

Riêng học sinh khối 6, 7 và 8 học ở cơ sở cũ hôm nay đến trường thì bị phụ huynh ngăn cản để phản đối việc sáp nhập trường.

Anh Đ.N.S. – ngụ xã Lạng Sơn, có con học lớp 6 – cho hay năm học trước, chỉ có học sinh lớp 9 của xã sang học bên xã Khai Sơn. Nhưng phụ huynh được thông báo năm học 2022 – 2023 sẽ thực hiện chuyển cả khối 6, 7 và 8.

“Từ nhà tôi sang Khai Sơn đường xa, cách 5 – 6km, lại có một đoạn đường Hồ Chí Minh, lượng xe cộ đi lại lớn. Cháu mới từ lớp 5 lên lớp 6, sức khỏe còn yếu, nếu đạp xe đi học tại điểm trường mới thì tôi không yên tâm. Còn bố mẹ đưa đón hằng ngày cũng rất vất vả”, anh S. băn khoăn.

Ông Phạm Văn Thanh – trưởng ban công tác mặt trận thôn 4-5 xã Lạng Sơn – cho biết: “Chúng tôi đồng tình với chủ trương sáp nhập trường lớp nhưng một số bà con nhân dân còn băn khoăn việc đưa con em của xã về học tại xã Khai Sơn có nhiều điều chưa hợp lý”.

Theo ông Thanh, thứ nhất là cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh THCS của hai xã. Thứ hai, việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả. Xa nhất là thôn 8, 9 với quãng đường dài hơn 8km.

Ngoài ra, nhiều người dân cũng cho rằng Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học, Trường THCS Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác sẽ làm mai một truyền thống của địa phương, và Lạng Sơn sẽ bị mất trường THCS.

Thầy cô buồn

Phụ huynh phản đối sáp nhập trường, hàng trăm học sinh ‘bơ vơ’ - Ảnh 2.

Ba khối 6,7 và 8 ở Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2 hôm nay chỉ có 11/154 em đến lớp

Phụ huynh không cho con vào học khiến những giáo viên đứng lớp rất buồn lòng. Cả ba khối 6, 7 và 8 ở Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2 hôm nay chỉ có 11/154 em đến lớp.

“Do sĩ số lớp không đủ nên chúng tôi phải nhập hai lớp vào để dạy học. Khai giảng xong nhưng trường lớp vắng bóng học trò, chúng tôi rất buồn và thương học trò”, cô Đặng Thị Hương – giáo viên dạy toán – tâm sự.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đình Hà – hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng – cho hay, đề án sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn thành Trường THCS Khai Lạng được thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô trường lớp nhỏ.

Theo lộ trình đề án sáp nhập, đến năm học 2019 – 2020, toàn bộ học sinh THCS tại xã Lạng Sơn sẽ chuyển về trường chính THCS Khai Lạng. Đồng thời bàn giao cơ sở vật chất Trường THCS Lạng Sơn (cũ) về cho trường tiểu học trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, trong bốn năm học qua, mới chỉ riêng học sinh khối 9 được chuyển về học điểm trường chính. Do nhận các ý kiến của phụ huynh nên tháng 7-2021, UBND huyện Anh Sơn tạm dừng đề án sáp nhập, cho học sinh các khối 6, 7 và 8 vẫn học ở điểm trường cũ.

“Việc sáp nhập nhưng vẫn duy trì hai điểm trường gây bất cập trong việc bố trí giáo viên. Có những buổi học, một giáo viên phải đi lại hai điểm trường rất vất vả, hoặc duy trì học sinh ở điểm trường cũ không đảm bảo đủ sĩ số học sinh. Việc phụ huynh ngăn cản con đến trường sẽ khiến học sinh thiệt thòi và ảnh hưởng đến công tác dạy học của nhà trường”, ông Hà nói.

Phụ huynh phản đối sáp nhập trường, hàng trăm học sinh ‘bơ vơ’ - Ảnh 3.

Ông Đặng Xuân Quang – phó bí thư Huyện ủy Anh Sơn – chủ trì cuộc họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn

Ông Đoàn Văn Thanh – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn – cho biết đề án sáp nhập trường THCS Khai Sơn và THCS Lạng Sơn xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện.

“Mục tiêu tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, giảm bớt đầu mối quản lý, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ viên chức phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi ngân sách. Quan điểm của chúng tôi là việc sáp nhập chỉ thực hiện nếu có sự đồng thuận của nhân dân và dựa trên các điều kiện thực tế của địa phương”, ông Thanh nói.

Cần sớm đưa học sinh đến trường

Trưa 7-9, ông Đặng Xuân Quang – phó bí thư Huyện ủy Anh Sơn – chủ trì cuộc họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.

“Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui của thầy và trò, trước mắt huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương sáp nhập trường lớp và từ đó tạo ra sự đồng thuận sớm đưa con em đến lớp”, ông Quang nhấn mạnh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Anh SơnNghệ AnPhản Đốisáp nhậpTrường lớp

Các tin liên quan đến bài viết