Số liệu thống kê mới nhất (năm 2019) cho thấy, người S’tiêng ở Bình Phước hiện nay có 96.465 người, địa bàn có đông người S’tiêng cư trú nhất là Bù Gia Mập với hơn 22 ngàn người và ít nhất là Phước Long với khoảng hơn 400 người. Là dân tộc sinh sống lâu đời ở Bình Phước, người S’tiêng có nền văn hóa rất đa dạng, mang bản sắc của cộng đồng cư dân nơi Trường Sơn Nam Tây Nguyên hùng vĩ.
MỘT SỐ PHONG TỤC TRONG HÔN NHÂN
Người S’tiêng ở Bình Phước có 2 nhóm là Bù Lơ và Bù Đek. Mặc dù vẫn duy trì kiểu hôn nhân theo chế độ mẫu hệ nhưng trong hôn nhân, 2 nhóm này có những phong tục tập quán khác nhau.
Trước hết, về tục kết hôn nội huyết thống, người S’tiêng Bù Lơ và Bù Đek đều còn duy trì tục hôn nhân con cô, con cậu ruột. Họ cho rằng, các con khi lớn lên, đế tuổi lấy vợ, lấy chồng sẽ dần rời xa gia đình, quan hệ họ hàng cũng ngày càng xa. Do đó, phong tục hôn nhân này nhằm duy trì mối quan hệ họ hàng.
Cô dâu S’tiêng Bù Đek với trang phục trong ngày cưới – Ảnh Đức Ngự, chụp ngày 4-3-2020
Người S’tiêng Bù Lơ có hình thức đính ước hôn nhân từ khi còn nhỏ. Trong sóc hoặc ở sóc khác có 2 gia đình không có mối quan hệ họ hàng nhưng rất thân thiết, muốn gắn kết mối quan hệ lâu dài. Nếu 2 gia đình này con khác giới và ở lứa tuổi tương đương nhau, họ sẽ định ước hôn nhân cho 2 con. Để tiến hành lễ đính ước, gia đình có con trai mang qua nhà gái 1 con gà, heo, chà gạt, tấm đắp và 1 chiếc vòng, trao cho nhà gái để làm lễ đính ước hôn nhân. Sau khi lớn lên, 2 con của họ được gia đình thông báo đã được đính ước hôn nhân, nếu cả 2 đồng ý thì lễ cưới sẽ được tổ chức. Ngược lại, nếu có một trong 2 người không đồng ý, lễ cưới sẽ bị hủy bỏ. Chàng trai là người từ chối hôn nhân thì các lễ vật là thực phẩm đã đưa cho nhà gái trong lễ đính ước sẽ mất toàn bộ. Nếu cô gái là người từ chối thì các lễ vật sẽ được nhà gái trả lại một nửa.
Khi có ý yêu thương ai và muốn đi đến hôn nhân, nếu các chàng trai người S’tiêng Bù Lơ thường nói cha mẹ nhờ người mai mối qua nhà gái để hỏi cưới, thì người S’tiêng Bù Đek lại có nhiều cách khác nhau. Ở vùng Quang Minh, huyện Chơn Thành, muốn biết cô gái có đồng ý kết hôn với mình hay không, chàng trai nhờ bà mai mối mang một ít tiền, 1 chiếc vòng đeo tay, 1 chiếc khăn,… hẹn gặp cô gái ở một nơi nào đó (không được đến nhà vì lúc này chưa biết cô gái có đồng ý hay không) để hỏi ý. Nếu cô gái nhận những đồ vật do bà mai đưa thì coi như nhận lời cầu hôn. Cũng hình thức này nhưng ở vùng Lộc Ninh, chàng trai nhờ người bạn thân mang 1 bó rau rừng đến gặp đưa cho cô gái ở một nơi nào đó và nói rằng của chàng trai A, B tặng. Cô gái nhận bó rau là đồng ý, còn không nhận coi như từ chối chàng trai.
Ngoài ra, hôn nhân của người S’tiêng còn có một số kiêng cữ. Người S’tiêng Bù Lơ không cưới khi gia đình có người mới chết, thời gian thường là 1 năm. Có nơi, người S’tiêng còn kiêng cùng họ không được kết hôn với nhau. Đặc biệt, sau khi kết hôn, cả hai vợ chồng tuyệt đối không được gọi tên nhau, không được gọi tên những người thân có vai vế cao hơn của cả 2 gia đình, gồm anh chị, cha mẹ, ông bà, cô dì, chú,… Họ cho rằng, gọi tên là thiếu kính trọng với người lớn tuổi.
CÁC NGHI LỄ TRONG HÔN NHÂN
Để đi đến cuộc sống hôn nhân, các chàng trai, cô gái người S’tiêng Bù Lơ và Bù Đek đều phải trải qua 7 nghi lễ liên quan đến hôn nhân của họ.
Hỏi và cưới là 2 nghi lễ phổ biến ở cả nhóm Bù Lơ và Bù Đek. Tuy nhiên, mỗi cộng đồng có sự khác nhau đôi chút. Lễ hỏi và cưới của người S’tiêng Bù Lơ, các yếu tố mang tính nghi lễ không nhiều, không có nghi lễ cúng thần linh, thay vào đó là các nghi thức bàn về xuất xứ, dòng họ của 2 gia đình, căn dặn về cuộc sống và cách ứng xử của 2 vợ chồng sau khi cưới, bàn thống nhất về các lễ vật nhà trai phải trao cho nhà gái – trả của. Ngược lại, trong các lễ hỏi và cưới của người S’tiêng Bù Đek, các nghi thức cúng thần linh rất trang nghiêm. Đặc biệt trong lễ cưới, người S’tiêng Bù Đek thực hiện 3 nghi thức là rước dâu – rể (đưa cô dâu, chú rể về khu vực lễ để tiến hành nghi lễ cưới), cúng thần linh và nghi thức chúc phúc. Thời gian thực hiện các nghi lễ này kéo dài từ 90 đến 120 phút với nhiều hình thức cúng, trong đó lễ rước dâu – rể và lễ cúng thần linh rất đặc sắc.
Cô dâu S’tiêng Bù Đek với trang phục trong ngày cưới – Ảnh Đức Ngự, chụp ngày 4-3-2020 tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng
Cả 2 nhóm Bù Lơ và Bù Đek đều có đặc điểm chung là sau khi kết thúc các nghi lễ cưới, họ đều còn phải tổ chức các nghi lễ khác. Người S’tiêng Bù Đek có lễ đạp tro, là dịp để cô dâu về nhà chồng ra mắt gia đình, các thành viên nhà chồng chúc phúc và tặng quà hai vợ chồng mới cưới. Lễ được tổ chức 3 ngày sau lễ cưới tại nhà trai…
Người S’tiêng Bù Lơ thì thực hiện các nghi lễ khác như: trả của, rước vợ về nhà. Lễ trả của được tiến hành chậm nhất sau lễ cưới 1 tháng, tại gia đình nhà chồng. Nếu có điều kiện, gia đình nhà trai tiến hành trả của 1 lần, sau đó rước cô dâu về. Của phải trả gồm: tố, ché, xà lung, tấm đắp, các loại thực phẩm (trâu, heo). Khảo sát ở nhiều nơi như Bom Bo, Bình Minh, huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập cho thấy, tổng chi phí để thực hiện lễ trả của truyền thống khoảng hơn 250 triệu đồng. Nếu không có điều kiện trả 1 lần, chàng trai phải thực hiện trả của nhiều lần cho đến khi trả xong. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả của, người chồng được quyền rước vợ về nhà chung sống. Lúc này, họ phải thực hiện nghi lễ gọi là Cô lô nak (rước vợ về nhà). Nghi lễ tổ chức bên nhà chàng trai, cha mẹ hai bên thực hiện các nghi thức cúng thần linh, trao cho nhau những lễ vật theo giao ước. Sau nghi lễ này, các quy trình trong hôn nhân truyền thống của người S’tiêng Bù Lơ mới chính thức kết thúc.
Hiện nay, mặc dù có những thay đổi nhưng các phong tục và nghi lễ trong cưới, hỏi của người S’tiêng ở Bình Phước vẫn duy trì ở nhiều mức độ khác nhau. Ở vùng Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, các nghi thức trong lễ cưới và lễ đạp tro vẫn được thực hiện đầy đủ. Trang phục truyền thống nơi đây vẫn gìn giữ và sử dụng trong ngày cưới. Đi dự đám cưới, người dân duy trì các hình thức như trước đây. Khách dự đám cưới có thể đi bất kỳ thời gian nào trong ngày; khi đi, họ mang theo gạo hoặc những vật dụng khác để làm quà mừng. Ở vùng Bình Minh, huyện Bù Đăng, người S’tiêng vẫn duy trì các quy tắc trả của truyền thống. Ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, còn duy trì lễ Cô lô nak (rước vợ về nhà).
Phạm Hữu Hiến (Bảo tàng tỉnh)/Theo Báo Bình Phước