Chiều 21-9, tại hội trường UBND huyện Bù Gia Mập, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác hội và phong trào nông dân quý III/2017; sơ kết 1 năm thực hiện Đề án số 24 và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam.
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, được Thường trực Tỉnh ủy ủy nhiệm đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Với phương châm “Nông dân giúp nông dân”, trong quý III/2017, các cấp hội đã vận động 1,113 tỷ đồng, 249 tấn phân bón trả chậm, 73 lít thuốc bảo vệ thực vật, 50 kg cá giống, 1.167 cây giống, 575 kg gạo, 4.300 cuốn tập, 4.638 ngày công lao động với tổng số tiền 2,683 tỷ đồng hỗ trợ các hội viên nghèo có điều kiện phát triển sản xuất.
Đại biểu trao đổi tại hội nghị
Trong quý, hội nông dân các cấp phối hợp ngành chức năng tổ chức 216 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 11.041 lượt hội viên tham dự; phối hợp các ngành vận động hội viên đóng góp 1,251 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công lao động tu sửa, phát quang, dọn dẹp vệ sinh, làm mới 198km đường, 28km kênh mương, 35 cầu cống, 6 nhà văn hóa thôn, với tổng trị giá 5,538 tỷ đồng…
Qua 1 năm thực hiện Đề án số 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, đến nay Bình Phước đã xây dựng và đi vào hoạt động 23 chi hội nghề nghiệp với 819 thành viên, 98 tổ hội nghề nghiệp gồm 1.085 thành viên. Việc sinh hoạt của các chi, tổ hội nghề nghiệp cơ bản đi vào nề nếp, trọng tâm là bàn, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, phòng bệnh cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm theo nhóm tổ. Tuy nhiên, do mô hình còn mới nên công tác tổ chức, sinh hoạt chưa thường xuyên, chưa mang lại kết quả nổi trội; đầu ra thị trường vẫn chủ yếu thông quan bán lẻ, chưa tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, vẫn bị thương lái ép giá…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 29-7-2011 của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020”, hội nông dân các cấp đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 3.957 buổi tuyên truyền cho 478.830 lượt hội viên. 5 năm qua, các cấp hội đã hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng 273 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có gần 100 mô hình đang hoạt động hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, các cấp hội còn đẩy mạnh công tác tạo vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất từ nhiều nguồn với tổng dư nợ trên 573,576 tỷ đồng… Tuy nhiên, đầu ra vẫn còn nhiều khó khăn do cung vượt cầu, bị thương lái ép giá. Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, Hội nông dân tỉnh đề ra giải pháp hàng năm tổ chức hội chợ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa nông dân với nông dân…
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất cần có giải pháp cụ thể trong phòng trừ bệnh trên cây điều, tiếp cận vốn vay, hỗ trợ kinh phí hoạt động, tăng cường tập huấn, hội thảo, hỗ trợ đầu ra…
Chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Xuân Trang đề nghị các cấp hội cần chủ động nắm tình hình, định hướng dư luận trong nông dân; đề xuất với cấp ủy, chính quyền tổ chức trao đổi, đối thoại với nông dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên thi đua lao động, sản xuất, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hội viên. Tỉnh hội, huyện hội cần xây dựng kế hoạch cụ thể phân công cán bộ hội tham dự sinh hoạt định kỳ tại các chi hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân; đồng thời tích cực hỗ trợ người dân trồng điều phòng, trị các loại sâu, bệnh hại trên cây điều…
Nguồn Báo Bình Phước