Các bộ ngành liên quan cần khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất ethylene oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Đó là yêu cầu được nêu ra trong văn bản số 6382 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vụ mì ăn liền Hảo Hảo nhiễm ethylene oxide (EO) bị thu hồi tại một số nước châu Âu.
Chỉ đạo đưa ra trên cơ sở xét báo cáo của Bộ Công thương về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất EO và bị thu hồi tại một số nước châu Âu.
Phó thủ tướng giao Bộ Y tế căn cứ quy định của Luật an toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất EO bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm… trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Ông Đam cũng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất EO để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.
Trước đó, thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương kiểm tra phản ánh của báo chí việc sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có chất cấm, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7-9-2021.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ đã đánh giá kỹ các thông tin phản ánh, quy trình sản xuất của sản phẩm xuất khẩu; phân tích các quy định của một số nước trong việc sử dụng hợp chất này trong chế biến thực phẩm, cũng như quy định của Việt Nam…
Do hiện nay Việt Nam chưa ban hành quy định, trong khi việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà các nước đưa ra khác nhau, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công thương đã đề xuất các biện pháp quản lý với việc sử dụng chất này trong thực phẩm cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Theo đó, biện pháp trước hết sẽ kiểm tra, kiểm soát quy trình sản xuất, đảm bảo đáp ứng quy định, tiêu chuẩn hiện hành cho từng sản phẩm tiêu thụ ở mỗi nước.
Với thị trường Việt Nam, do chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng hợp chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm, nên về dài hạn phải có các nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, bài bản để có cơ sở ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho quản lý.
Nguồn: tuoitre.vn