Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho rằng, phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2019 nhìn theo các khối xét tuyển đại học là tốt, vì vậy việc tuyển sinh không thể “ồ ạt” được.
Nhiều chuyên gia khen Phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 năm nay đẹp.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm phân tích phổ điểm thi, ông Quách Tuấn Ngọc nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, ở góc độ Toán học nếu nhìn thấy phổ điểm cân đối là chúng ta khen nhưng trên thực tế, phổ điểm khi nhìn trên kết quả phân tích phải lệch sang phía tay phải một chút nhưng ít chạm nhiều vào khu vực điểm 10 mới được coi là phổ điểm đẹp.
“Mục đích kỳ thi của chúng ta là tốt nghiệp THPT nhưng lại làm căn cứ để xét tuyển đại học, vì vậy, nếu phổ điểm phân bố cân đối có nghĩa là đã lệch mục tiêu về kỳ thi, cụ thể là không đảm bảo cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT” – Ông Ngọc nói.
So sánh với phổ điểm năm ngoái, ông Ngọc cho rằng, phổ điểm năm nay cho thấy đề thi có phần dễ thở hơn, phù hợp hơn với kỳ thi 2 mục đích.
Ông Ngọc cũng đưa ra phân tích phổ điểm của từng môn học trong kỳ thi năm nay, theo đó, môn Vật lý, Hóa học hơi lệch sang phải nhưng không chạm vào ngưỡng điểm 10 nhiều quá nên là phổ điểm tốt. Môn Sinh học phân bố tương đối chuẩn, nhìn theo phổ điểm sẽ thấy đề thi môn Sinh học khó. Môn Lịch sử phổ điểm hơi lệch trái, chứng tỏ đề thi tương đối khó.
Riêng về môn Giáo dục công dân, ông Ngọc cho rằng, môn Giáo dục công dân nhiều điểm cao là đương nhiên vì đây là môn dễ, chủ yếu để giúp học sinh tốt nghiệp, vì vậy không nên quá chặt chẽ với điểm thi môn này.
Phân tích theo phổ điểm khối xét tuyển đại học, ông Quách Tuấn Ngọc nêu quan điểm, với phổ điểm thế này, việc tuyển sinh đại học sẽ rất thuận lợi và không thể “ồ ạt” được, “sẽ không có tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học” và với cách phân tích như vậy, ông Ngọc khẳng định, đề thi năm nay tiến bộ hơn rất nhiều năm ngoái.
Cùng chung quan điểm với ông Quách Tuấn Ngọc, ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Công nghiệp TPHCM nhận định, phổ điểm để xét tốt nghiệp THPT năm nay khá đẹp vì nghiêng về phía điểm trung bình.
Theo ông Sơn, với những khối truyền thống xét đại học thì phổ điểm này rất đẹp để thực hiện phân hóa ngưỡng điểm vào đại học. Điểm từ 20 trở lên độ phân hóa khá đều, điểm từ 24 trở lên cũng có độ dốc khá lớn, vì vậy, sẽ giúp các trường thực hiện xét tuyển đại học dễ dàng hơn năm ngoái.
“Với phổ điểm như năm nay, nguồn tuyển sinh cho các trường tốp trên vẫn được đảm bảo, có thể điểm xét tuyển của tốp này sẽ tăng giao động từ 1-2 điểm so với năm ngoái; nhóm trường tốp giữa cũng sẽ có số thí sinh đông do số lượng điểm 17-18 nhiều. Dù phục vụ cho đánh giá tốt nghiệp hay xét tuyển vào đại học thì phổ điểm năm nay cũng đáp ứng được” – Ông Sơn nhận định.
Nhìn nhận từ góc độ đo lường, bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, kết quả phân tích phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phản ánh được đúng năng lực học sinh phổ thông. Việc phổ điểm hầu như nghiêng về phía tay phải có nghĩa đề thi không quá khó cũng không quá dễ.
Đáng chú ý, ở hầu hết các tổ hợp xét tuyển 3 môn truyền thống vào ĐH đều có mức điểm 16-17, tức trên mức trung bình, mức điểm cao 22 điểm trở lên có độ phân hóa rõ rệt. Bà Nga đánh giá cao đề thi năm nay đã đáp ứng được cả tiêu tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ, các trường top giữa sẽ không còn “khát” sinh viên như những năm trước.
Theo Dân Trí