Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quan hệ kinh doanh hiện ngày càng chằng chịt, việc nợ nần nếu thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ảnh quochoi.vn).
Sáng nay (15/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Một trong nội dung đáng chú ý được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến là dự thảo Luật đề nghị bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Phát biểu ở tổ (Lai Châu, Trà Vinh, Quảng Nam, Bình Định) Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự.
“Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và khi làm thì cần tuân thủ quy định gì, vi phạm thì xử lý ra sao, còn cấm là không hợp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Ông nói thêm, quan hệ kinh doanh hiện ngày càng chằng chịt, việc nợ nần nếu thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh. “Đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Đồng tình quan điểm với Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, dịch vụ kinh doanh đòi nợ là nhu cầu của xã hội, cấm thì sẽ biến tướng. “Tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng thế, nên quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm”, ĐBQH Lê Công Nhường nói.
Còn ĐBQH Nguyễn Phi Long (Bình Định) cho rằng, cần đánh giá tác động nhiều chiều, nếu do quản lý nhà nước chưa tốt thì phải bổ sung quy định để đảm bảo tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động đúng quy định của pháp luật. “Dân gian có câu không quản được thì cấm, như thế ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân”, ĐB Long nêu quan điểm.
Cũng đề cập tới vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là yêu cầu thực tiễn của đời sống, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi kinh tế, việc phát sinh dịch vụ này là cần thiết. Theo vị ĐBQH này, không nên bỏ loại dịch vụ kinh doanh đòi nợ, tuy nhiên cần quy định đầy đủ hơn về hành lang pháp lý cho dịch vụ này hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, quản lý nhà nước và không bị biến tướng. ĐB Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị không nên để tên là “dịch vụ đòi nợ” vì hàm chứa yếu tố bạo lực, cần đổi sang tên khác là “dịch vụ xử lý nợ”, trong đó bao gồm tư vấn nợ và đòi nợ.
Theo Dân việt