HTX khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ICA-AP) cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là cầu nối, hợp tác liên kết, hỗ trợ kinh tế hợp tác xã trong khu vực ngày càng phát triển năng động và thực chất hơn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Trước sự hình thành ngày càng nhiều các cơ chế liên kết, hợp tác trong khu vực, Hợp tác xã khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ICA-AP) cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là cầu nối, hợp tác liên kết, hỗ trợ kinh tế hợp tác xã trong khu vực ngày càng phát triển năng động và thực chất hơn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nhấn mạnh như vậy về vai trò của kinh tế hợp tác tại Hội nghị Bộ trưởng hợp tác xã khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10 tại Việt Nam do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng 18/4 tại Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Việt Nam vinh dự là nước đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng hợp tác xã khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10.
Với thế và lực sau hơn 30 năm đổi mới, đây là lúc Việt Nam có thể đóng góp thiết thực hơn nữa cho ICA-AP, mang lại những lợi ích thiết thực cho hợp tác xã và người dân.
Vì vậy, việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và xây dựng trong nhiều chương trình hợp tác với nhiều liên đoàn hợp tác xã thành viên trong đó có Việt Nam là minh chứng sinh động cho sự phát triển kinh tế hợp tác xã của ICA-AP và các nước trong khu vực.
Tuy vậy, trong một thế giới ngày càng gắn kết, ICA-AP đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc thực hiện các mục tiêu của Đại hội đồng ICA-AP lần thứ 12 nhằm phát triển bền vững, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Hợp tác xã được xem là một trong những đối tác quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đề ra là thúc đẩy dân chủ, gắn kết xã hội và quan tâm đến môi trường.
Nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế, các hợp tác xã và người dân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, ICA-AP cần thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã và giữ vững bản chất tốt đẹp, nhân văn của hợp tác xã.
Cùng đó là cải cách cơ cấu cần là ưu tiên số một của ICA-AP nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Ngoài ra, ICA-AP cũng cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng, làm sống động hợp tác thương mại và đầu tư để đảm bảo mọi người dân đều có thể hưởng lợi. Đặc biệt, phải tận dụng cơ hội do những cơ chế hiện có và đang hình thành ở khu vực mang lại, trong đó có cộng đồng ASEAN và FTAAP.
Để tăng cường kết nối khu vực, tiểu khu vực và hợp tác xã cần xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng, tận dụng các cơ chế tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác công-tư.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh thêm rằng, bước vào kỷ nguyên số, ICA-AP cần hỗ trợ hợp tác tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng việc làm. Do đó, ICA-AP phải hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện sáng kiến Thuận lợi hóa kinh doanh cho các hợp tác xã, khởi nghiệp bằng việc thành lập các hợp tác xã do thành niên và phụ nữ lãnh đạo.
Ngoài ra, trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững là mục tiêu cần hướng tới.
Theo đó, ICA-AP phải thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng và tính bền vững của nông nghiệp.
Cuối cùng, ICA-AP phải tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập để khẳng định vị thế toàn cầu trong điều phối các liên kết kinh tế hợp tác, hợp tác xã khu vực đa tầng nấc, ủng hộ thương mại đa phương mở…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Monique F, Leroux, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA) cho biết, năm 2016, phong trào hợp tác xã là một trong những tổ chức kinh tế quốc tế đầu tiên đã khẳng định những cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Theo bà Monique F, Leroux, mô hình hợp tác xã là một trong những mô hình hiện đại có những giá trị riêng. Hơn nữa, hợp tác xã được tổ chức rộng rãi tại các cộng đồng, đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Sự đóng góp của hợp tác xã vào vai trò ổn định kinh tế toàn cầu và trở thành 3 trụ cột chính của nền kinh tế bên cạnh khu vực tư nhân và khu vực nhà nước.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự chia sẻ, Việt Nam hiện có hơn 20.000 hợp tác xã phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, thương mại-dịch vụ, xây dựng, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, vận tải, tín dụng, thương mại, dịch vụ, môi trường và các lĩnh vực khác.
ác hợp tác xã này đã thu hút trên 30 triệu lao động và là khu vực kinh tế-xã hội rộng lớn, có tác động quan trọng đến khu vực kinh tế nông thôn.
Không dừng lại ở đó, các hợp tác xã còn có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát huy dân chủ tại cơ sở góp phần xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo ông Võ Kim Cự, chương trình nghị sự của phong trào hợp tác xã đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng số thành viên lên 2 tỷ người tham gia, đạt 4 triệu hợp tác xã và chiếm 20% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để cụ thể hóa và thực hiện mục tiêu này, cần có sự đồng lòng, đoàn kết, hợp tác và sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ các nước đối với khu vực hợp tác xã.
Vì vậy, Hội nghị Bộ trưởng hợp tác xã các nước khu vực châu Á- Thái Bình Dương lần này có nhiệm vụ quan trọng trong việc cụ thể hóa hành động của các quốc gia trong khu vực nhằm thực hiện 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030.
Trong số này, Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ là thành viên tích cực và có trách nhiệm cùng với Liên minh hợp tác xã các nước trong khu vực và trên thế giới góp phần thực hiện các mục tiêu này.
Uyên Hương/BNEWS/TTXVN