Trên thế giới có hơn 2,98 triệu ca tử vong vì Covid-19, song có hơn 111,4 triệu trường hợp đã khỏi sau khi nhiễm virus.

Theo trang Worldometers, Mỹ và Ấn Độ là hai nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua lần lượt là 70.229 và gần 200.000. Các nước ghi nhận số ca nhiễm mới trên 10.000 trong 24h qua là Italia, Brazil, Đức, Pháp, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Mỹ trấn an về vắc-xin Johnson & Johnson

Hãng tin Business Insider cho biết, các cơ quan y tế Mỹ đã cho ngừng tiêm chủng vắc-xin một mũi ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson trong vài ngày, sau khi phát hiện sáu ca bị chứng đông máu trong tổng số 6,8 triệu người dân Mỹ được tiêm loại vắc-xin này.

Phnom Penh phong tỏa hai tuần, thế giới 111,2 triệu ca khỏi Covid-19
Vắc-xin ngừa Covid-19 Johnson & Johnson.

Chuyên gia y tế hàng đầu nước Mỹ về Covid-19, Anthony Fauci trong ngày 14/4 đã phải lên tiếng trấn an những người từng nhận vắc-xin của Johnson & Johnson “đừng nên lo lắng”.

“Như tôi đã nói trước đây, tỷ lệ chứng máu đông xuất hiện ở người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là rất hiếm. Đó là 1/1.000.000 ca. Vắc-xin của Johnson & Johnson đã chứng minh được tính hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng. Điều chúng ta đang nói hiện nay không liên quan tới tính hiệu quả của vắc-xin”, chuyên gia Fauci nói.

“Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ việc ngừng tiêm vắc-xin, bởi nó sẽ cho phép các cơ quan quản lý điều tra rõ hơn, cũng như giúp các y bác sĩ biết được những triệu chứng có liên quan tới chứng máu đông, từ đó phát hiện và điều trị các trường hợp tiêm vắc-xin gặp phản ứng phụ”, ông Fauci nói thêm.

Biến chủng P1 tại Brazil đang biến đổi nguy hiểm hơn

Theo hãng tin Reuters, biến chủng P1, vốn gây nhiều khó khăn cho công tác chống dịch Covid-19 của giới chức y tế Brazil, hiện đã trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều khi nó có thể biến đổi để trốn tránh các kháng thể.

“Chúng tôi tin rằng, biến chủng P1 đang tạo ra một ‘cơ chế chạy trốn’ nhằm tránh phản ứng từ các kháng thể. Sự biến đổi của P1 giống với các đột biến từng được chứng kiến ở biến thể Nam Phi. Điều này khá đáng ngại bởi virus đang tiếp tục tăng tốc trong quá trình tiến hóa”, nhà nghiên cứu Felipe Naveca thuộc Viện Nghiên cứu Fiocruz của Brazil nói với hãng tin Reuters.

Diễn biến mới liên quan tới đại dịch Covid-19 toàn cầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã nhận liều vắc-xin thứ hai trong ngày 14/4. “Tôi đã nhận liều vắc-xin thứ hai. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn. Bản thân tôi không chỉ hy vọng, tôi chắc chắn về điều đó. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi”, ông Putin nói với hãng thông tấn TASS.

Giới chức Đan Mạch hôm 14/4 cho biết, toàn bộ việc tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca ở nước này sẽ ngừng lại cho đến khi có thông báo mới. Theo một số nguồn tin y tế Đan Mạch, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ chứng máu đông xuất hiện ở người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên thực tế cao hơn rất nhiều các báo cáo trước đây, khi tỷ lệ được ngành y tế Đan Mạch đưa ra là 1/40.000 người được tiêm chủng.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Tổng cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết, nước này đã có thêm 1.335 ca nhiễm mới trong ngày 14/4, trong đó có 351 ca tới từ thủ đô Bangkok. Nguyên nhân của sự gia tăng số ca nhiễm ở mức chóng mặt như vậy, có thể là do đợt bùng dịch lần này xảy ra đúng dịp đón năm mới Songkran của người dân Thái Lan.

Tờ Bưu điện Phnom Penh cho biết, Campuchia đã quyết định phong tỏa thủ đô trong hai tuần nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Trong chỉ thị được Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký đêm 14/4, ngoài Phnom Penh, lệnh phong tỏa cũng được áp dụng tại thị xã Takmao thuộc tỉnh Kandal, nằm cách thủ đô 11 km về phía nam.

Trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân ngoại trừ đi mua đồ ăn và các nhu yếu phẩm thì không được phép rời khỏi nhà, với chỉ hai thành viên trong gia đình được phép đi ra ngoài và không quá 3 lần/tuần.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : campuchiaCOVID-19PhnômPênh

Các tin liên quan đến bài viết