Nhà chức trách New Delhi tuyên bố đã khống chế được làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai tại thủ đô Ấn Độ và sẽ cho dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa ở đây kể từ tuần tới.

Trong một thông điệp video sau cuộc họp với Cơ quan kiểm soát thảm họa Delhi (DDMA) hôm 28/5, ông Arvind Kejriwal, Thủ hiến New Delhi cho biết, quá trình dỡ bỏ phong tỏa sẽ diễn ra từng bước theo lời khuyên của các chuyên gia y tế.

Philippines và Malaysia vật lộn chống Covid-19, Ấn Độ báo tin vui
Nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. 

Báo The Hindu dẫn lời ông Kejriwal nhấn mạnh: “Trong vòng 24 giờ qua New Delhi chỉ ghi nhận khoảng 1.100 ca nhiễm mới. Tỷ lệ dương tính với virus đã giảm xuống còn 1,5%. Mọi người không còn phải đối mặt với các rắc rối khi tìm kiếm giường điều trị trong các bệnh viện. Đã đến lúc tái mở cửa dần dần. Chúng tôi quyết định, vào tuần tới, khi lệnh phong tỏa hiện thời hết hiệu lực vào lúc 17h ngày 31/5, các hoạt động xây dựng và nhà máy sẽ được phép diễn ra”.

Để kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ hai, thủ đô New Delhi bị phong tỏa hoàn toàn từ ngày 19/4. Theo Thủ hiến Kejriwal, chính quyền thành phố sẽ không ngăn chặn mọi hoạt động vì cần phải có sự cân bằng giữa cuộc chiến chống dịch với việc khôi phục kinh tế. Song, các hoạt động vận tải, kể cả của tàu điện, vẫn tiếp tục phải tạm ngưng vào tuần tới.

Tính đến sáng 29/5, New Delhi ghi nhận hơn 1,4 triệu ca mắc và gần 24.000 trường hợp tử vong. Thành phố báo tin vui khi cuộc chiến chống dịch ở Ấn Độ cũng có dấu hiệu tiến triển tích cực với số ca mắc mới và tử vong đều có xu hướng giảm.

Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á ghi nhận thêm 171.726 ca mắc và 3.563 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên hơn 27,7 triệu, trong đó 322.384 bệnh nhân không qua khỏi.

Dịch nghiêm trọng ở Philippines và Malaysia

Làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục càn quét hai quốc gia Đông Nam Á với những diễn biến đáng lo ngại.

Bộ Y tế Malaysia thông báo, trong ngày 28/5, nước này ghi nhận thêm 8.290 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, lần đầu tiên vượt mốc 8.000 ca mắc/ngày và là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 549.514 người. Cùng thời gian, thêm 61 bệnh nhân tử vong, tương đương mức kỷ lục của ngày 24/5 đã nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch lên 2.552 người.

Để ứng phó với số ca mắc mới và tử vong đều tăng vọt, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc trong hai tuần, từ ngày 1 – 14/6. Quyết định mới sẽ được áp dụng đối với mọi hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, ngoại trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Bên cạnh việc siết chặt các quy định phòng dịch, nhà chức trách cũng cho triển khai Lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại 21 khu vực thuộc thành phố Kuala Terengganu, thủ phủ bang Terengganu; hai khu vực thuộc bang Pahang và hai khu vực thuộc bang Selangor từ ngày 30/5 – 12/6. EMCO còn được gia hạn tới ngày 12/6 tại một số khu vực thuộc bang Malacca và bang Sabah.

Tại Philippines, làn sóng lây nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca mắc mới theo ngày của nước này hiện đã cao hơn “ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á” là Indonesia và số ca tử vong đứng thứ hai trong khu vực. Tính đến sáng 29/5, tổng số ca bệnh ở Philippines đã vượt mốc 1,2 triệu người, tăng 8.748 trường hợp so với ngày trước đó với 20.566 trường hợp thiệt mạng.

Pháp hứa giúp châu Phi sản xuất thêm vắc-xin

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/5 cho biết, nước này sẽ đầu tư để thúc đẩy sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 ở châu Phi, nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về nguồn cung giữa các quốc gia ở lục địa đen với phương Tây.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ở Pretoria, ông Macron nói, châu Phi chiếm khoảng 20% nhu cầu vắc-xin của toàn thế giới nhưng hiện chỉ đóng góp 1% sản lượng vắc-xin. Pháp muốn hỗ trợ các công ty dược trong khu vực tăng sản xuất chế phẩm này một cách nhanh chóng.

Theo ông Macron, Pháp đã cộng tác với Viện Biovac của Nam Phi và sẽ sớm cho trình làng dự án hợp tác với hãng dược Aspen của quốc gia này.

Lãnh đạo chính phủ Pháp tái khẳng định ủng hộ việc tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ về vắc-xin ngừa SARS-CoV-2, động thái đã nhận được sự đồng tình của Mỹ nhưng vấp phải sự phản đối của Đức.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 29/5 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 170,1 triệu người, trên 3,5 triệu ca tử vong. Song, gần 152 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

– Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 34 triệu ca mắc và 608.943 bệnh nhân không qua khỏi.

– Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu vừa phê chuẩn việc sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, thay vì giới hạn 16 tuổi trở lên như trước đây. Động thái sẽ mở đường cho việc cho việc triển khai chủng ngừa rộng rãi hơn trong khu vực sau khi nhà chức trách Mỹ và Canada ban hành các quy định tương tự.

– Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 28/5 tuyên bố, nước này và Ấn Độ nhất trí sẽ cùng nhau nỗ lực chống lại Covid-19. Theo Reuters, Washington cam kết sẽ hành động để giúp Ấn Độ vượt qua cơn cuộc khủng hoảng hiện tại vì đại dịch.

– Cùng ngày, Chính phủ Israel quyết định kéo dài lệnh cấm công dân và thường trú nhân tới 7 quốc gia gồm Ukraina, Ethiopia, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ cho đến ngày 13/6. Những người đến từ 7 nước trên sẽ phải cách ly sau khi nhập cảnh vào quốc gia Do Thái, kể cả các trường hợp đã tiêm phòng. Israel dự kiến sẽ “cấm cửa” những người nhập cảnh từ Argentina và Nga từ tuần tới.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Ấn ĐộMalaysiaphilippinesvaccine Covid-19

Các tin liên quan đến bài viết