Trung Quốc đang tận dụng giải đấu quân sự quốc tế như một cơ hội để quảng bá các trang thiết bị quân sự nhằm thực hiện tham vọng trở thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Xe tăng Type-96 màu đỏ trắng của Trung Quốc so tài tại giải đấu quân sự quốc tế 2018 ở Nga. (Ảnh: People China)
Giải đấu Quân sự Quốc tế (IAG) ngày 29/7 đã khai mạc tại tỉnh Tân Cương ở khu vực phía tây hẻo lánh của Trung Quốc. Cùng với Nga, Trung Quốc là một trong số 7 quốc gia đồng tổ chức cuộc so tài giữa các lực lượng quân sự thế giới trong năm nay. Sự kiện quân sự quy mô lớn này sẽ kéo dài tới ngày 11/8, thu hút nhiều đại diện quân sự từ khắp nơi trên thế giới đổ về Trung Quốc.
Giải đấu Quân sự Quốc tế là sự kiện thường niên do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức và phần lớn các nội dung thi đấu sẽ diễn ra tại Nga. Trung Quốc và Kazakhstan sẽ đăng cai một số nội dung thi đấu, trong khi Belarus, Iran, Azerbaijan và Armenia mỗi nước sẽ tổ chức một nội dung thi đấu riêng lẻ.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các quốc gia tham gia giải đấu quân sự năm nay sẽ sử dụng các trang thiết bị quân sự do Trung Quốc hoặc Nga chế tạo để tranh tài trong các nội dung thi. Theo CNN, đây chính là cơ hội để các nước có thể thử nghiệm các loại khí tài trước khi quyết định mua.
“Đây là dịp để Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự với toàn thế giới, đồng thời giúp thúc đẩy các cơ hội mua bán vũ khí”, Nick Marro, nhà phân tích tại Viện Tình báo Kinh tế, nhận định.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, cùng với Mỹ, Nga, Pháp và Đức. Các thông tin do SIPRI công bố cho thấy từ năm 2008 đến năm 2017, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 14 tỷ USD vũ khí ra nước ngoài, trong đó chỉ tính riêng trong năm 2017 là hơn 1 tỷ USD. Trung Quốc đã bán vũ khí cho 48 nước trong vòng 5 năm, trong đó khách hàng số 1 là Pakistan, tiếp theo là Bangladesh và Algeria.
Cũng theo thống kê của SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chiếm tỷ lệ 5,7% trong thị phần xuất khẩu vũ khí toàn thế giới từ năm 2013-2017, tăng hơn 1/3 so với con số 4,6% kỷ lục từng được ghi nhận trong khoảng thời gian từ năm 2008-2013. Trung Quốc đã tăng kim ngạch xuất khẩu vũ khí thêm 38% trong khi giảm nhập khẩu vũ khí xuống 19% từ năm 2013-2017 so với 4 năm trước đó.
Lợi ích từ giải đấu quân sự
Trung Quốc chiếm 5,7% trong thị phần xuất khẩu vũ khí thế giới từ năm 2013-2017. (Nguồn: SIPRI)
Những khách hàng từng mua vũ khí của Trung Quốc như Pakistan và Bangladesh đều tham gia giải đấu quân sự quốc tế năm nay. Ngoài ra còn phải kể tới những khách hàng khác cũng góp mặt trong các cuộc so tài tại Trung Quốc như Myanmar hay Iran.
Trong bài viết được đăng trên trang tin chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nhận định giải đấu quân sự quốc tế là dịp để Bắc Kinh quảng bá và tiếp thị các sản phẩm trong ngành công nghiệp quân sự.
Pakistan là nước mua nhiều vũ khí nhất của Trung Quốc với hơn 1/3 số vũ khí Trung Quốc được xuất sang Islamabad trong năm 2017. Pakistan cũng tham gia các nội dung thi trên không và trên bộ tại giải đấu ở Tân Cương năm nay.
Theo báo cáo của Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một số sản phẩm quân sự được xuất khẩu là những vũ khí công nghệ cao nhất của Trung Quốc, bao gồm hệ thống dò tìm tên lửa hạt nhân hay dự án cùng phát triển máy bay chiến đấu J-17.
Ngoài Pakistan, Venezuela, khách hàng từng mua các tên lửa chống hạm C-082 của Trung Quốc trong năm 2017, cũng tham gia nội dung thi tác chiến trên biển tại giải đấu quân sự ở Trung Quốc.
Bên cạnh những nước đã từng mua các sản phẩm quân sự của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng hy vọng có thể thu hút thêm các khách hàng tiềm năng là các quốc gia láng giềng khi họ tham gia giải đấu quân sự tại Trung Quốc.
Tại lễ khai mạc giải đấu, các xe tăng, súng phóng rocket và trực thăng của quân đội Trung Quốc cũng tham gia các màn trình diễn bắn đạn thật. Trong các phần thi diễn ra tại Nga, các máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu J-10A và xe tăng Type 96B của Trung Quốc đều được triển khai để thi đấu với các nước.
Các chuyên gia cho rằng lợi ích thực sự đối với Trung Quốc khi đồng tổ chức giải đấu quân sự quốc tế không chỉ đơn thuần là để phục vụ cho mục đích xuất khẩu vũ khí. Cùng với đó, Bắc Kinh cũng có thể đạt được các lợi ích nhất định về mặt ngoại giao.
“Trung Quốc đang sử dụng xuất khẩu vũ khí như một công cụ trong chính sách đối ngoại nhằm tạo ra sự lệ thuộc chiến lược”, Michael Raska, Giáo sư quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.
“Những sự kiện này không chỉ được thôi thúc về mặt lợi nhuận, mà còn hướng các quốc gia khác theo chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, Giáo sư Raska cho biết thêm.
Chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc bán các vũ khí cho một số quốc gia châu Á như Myanmar hay Bangladesh đã giúp tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực vì có thể khiến các quốc gia này lệ thuộc vào Bắc Kinh về mặt khí tài quân sự.
Theo Giáo sư Raska, việc Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm quân sự tới các nước xa xôi về địa lý như Venezuela hay Iran cũng là cách để Bắc Kinh kiềm chế Mỹ.
Theo Dân Trí