“Mày trồng cây này thì bán ai mua” là câu nói của bao người Mông từ các thôn khác nói với anh Giàng A Sáu (trú xã An Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái). Ấy vậy mà anh đã là tỉ phú nhờ loại cây “bán không ai mua” ấy.
Lên thăm bản người Mông tại xã An Lương (huyện Văn Chấn, Yên Bái), không ai không biết Giàng A Sáu.
Câu chuyện người đàn ông cùng vợ bế đứa con, khệ nệ bê tải tiền đến điểm giao dịch xã An Lương gửi bốn tỉ đồng tiền bán đồi quế đã gây chấn động cả vùng.
Cũng chính Giàng A Sáu đã thiết lập luôn kỉ lục người có số tiền gửi cao nhất ở ngân hàng này trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn giúp vợ chồng anh Giàng A Sáu kiểm số tiền gửi tiết kiệm. |
Cây quế được trồng ở xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) khá sớm, tiếng Mông là “kỉ phì”. Nó không chỉ là cây thuốc, mà còn là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Anh Sáu không phải là người có diện tích quế lớn nhất xã An Lương. Theo cán bộ xã ở đây, rất nhiều hộ có tới vài chục héc – ta, nhưng Giàng A Sáu lại có sự khác biệt.
Không hề giữ bí mật, anh nói: “Không có gì phải bí mật hết! Cả xã đều biết mình vừa bán đồi quế hơn 4 tỉ đồng rồi. Vì an toàn, tiền mình đã gửi tiết kiệm hết, trong nhà chỉ có mấy cuốn sổ tiết kiệm nên khỏi lo”.
Anh Sáu kể, ngày còn trẻ, cả làng, cả bản đều nói anh là “thằng không ra gì”. Có lẽ, vì anh không chịu lấy vợ ở tuổi mười bốn, mười lăm hay mười sáu như các bạn cùng lứa.
Anh Sáu thường xuyên bỏ làng, bỏ bản để tìm mảnh đất khác vì quê anh không có ruộng, không có đường, không có điện và nguồn nước cũng khá hiếm.
Đi nhiều, nhìn nhiều, người con trai lúc bấy giờ hiểu, không đâu bằng chính quê hương của mình. Nghĩ vậy, anh quyết định ở lại và tích cực trồng quế cùng dân làng.
Với Giàng A Sáu, cây quế là cây lâu năm, cây càng to càng có giá trị, vì thế phải có giải pháp để lo cái trước mắt.
Anh trồng quế thật mau để bóc tỉa dần, vài năm đầu trồng lúa, ngô, khoai, sắn vào nương quế để đỡ phải làm cỏ cũng như có cơm cho người, đủ nguồn thức ăn nuôi gà, lợn. Phần sinh lãi lớn sẽ đến từ đồi quế, phần lãi nhỏ đến từ khoản gửi ngân hàng.
Anh Giàng A Sáu – tỉ phú người Mông làm giàu nhờ “hái tiền trên cây”. |
Năm 2019, anh Giàng A Sáu bán đồi quế được 3 tỉ đồng, gửi toàn bộ số tiền đó vào Ngân hàng Chính sách xã hội.
Năm vừa rồi, anh rút một phần để xây ngôi nhà lớn, hết 3,2 tỉ đồng.
Đầu tháng 6 vừa qua, anh Sáu tiếp tục khai thác đồi quế với giá 4,4 tỉ đồng – phá luôn kỉ lục thu nhập từ bàn tay gieo trồng ở vùng quê Văn Chấn.
Anh tiết lộ, mình có trên 5 chục héc-ta quế và số tiền trên 7 tỉ đồng kia chỉ vừa khai thác một diện tích nhỏ. Toàn bộ số tiền này, anh đem gửi tiết kiệm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn.
Nói đến số tiền quế thu được, anh Giàng A Sáu chia sẻ: “Nhiều tiền đến đâu ăn chơi mãi cũng hết, mình dành tiết kiệm cho con cái đi học cái chữ, học cách làm người, mình để dành làm vốn cho con sau này làm ăn. Bên cạnh đó, mua cho mỗi thành viên trong gia đình một gói bảo hiểm xã hội”.
“Họ bảo tôi mua xe, cho người ta vay tiền nhưng tôi không nghe, tôi gửi ngân hàng, không cần sinh lãi nhiều, chỉ cần đảm bảo giữ được tiền” – anh Sáu chia sẻ thêm.
Ngoài anh Sáu, An Lương còn rất nhiều người thoát nghèo, đổi đời từ cây quế.
Ngôi nhà khang trang của anh Giàng A Sáu. |
Ông Lý Văn Thái (thôn Khe chầu, xã An Lương) chia sẻ: “An Lương giờ nhiều người giàu thật! Trung tâm xã và trong các thôn rất nhiều nhà xây bạc tỉ đều từ tiền bán quế. Nhiều người ở các thôn xa tít mà nói đến tiền tỉ cứ nhẹ tênh tênh”.
Chủ tịch UBND xã An Lương- ông Hoàng Văn Cội còn cho biết: “Anh Giàng A Sáu có suy nghĩ tiến bộ, dám nghĩ dám làm, chịu khó học hỏi người khác. Nghe chỗ nào làm hay làm giỏi về trồng quế mà phù hợp là tìm hiểu ngay không giấu dốt, dấu nghèo.”
Ông cũng chia sẻ, để cây quế phát triển bền vững và sức nóng kinh tế của nó không phá vỡ môi trường rừng, cấp ủy, chính quyền xã cắm mốc giới khoanh vùng khu vực trồng quế.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích quế đạt 2.200 ha. Hướng tới An Lương sẽ trở thành “thủ phủ” quế chẳng kém gì những xã: Đại Sơn, Viễn Sơn… ở huyện Văn Yên.
Nguồn: vietnamnet