Nghị định 120/2017 quy định toàn bộ chi phí sinh hoạt, liên quan người bị tạm giữ, tạm giam đều được quy ra mức gạo tẻ thường để tính đã khiến nhiều người băn khoăn.
Chính phủ vừa ban hành nghị định 120/2017 hướng dẫn một số điều của Luật tạm giữ, tạm giam năm 2015, sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2018.
Chi phí mai táng phạm nhân: 100kg gạo
Theo đó, nghị định 120 hướng dẫn chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ;
Việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài…
Cụ thể, có các quy định như: người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá tương đương 30kg gạo tẻ loại trung bình (khoản 3 điều 4).
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ giá trị tương đương 2kg gạo tẻ loại trung bình/1 tháng (khoản 1 điều 6).
Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp tương đương 2kg gạo tẻ loại trung bình/1 người/1 tháng (khoản 1 điều 7).
“Mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20kg gạo tẻ loại trung bình/1 trẻ em” đối với chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ (khoản 1 điều 8).
Đặc biệt, đối với quy định về chế độ chi phí dành cho người bị tạm giam, tạm giữ chết, nghị định nêu:
“Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết, kinh phí bảo đảm việc khâm liệm gồm: Tiền mua 1 quan tài bằng gỗ thường, 1 bộ quần áo dài và 1 bộ quần áo lót mới, 4m2 vải liệm, hương, nến, cồn làm vệ sinh và khoản tiền chi phí khác tương đương 100kg gạo tẻ loại trung bình” (khoản 1 điều 10).
“Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà thân nhân nhận thi hài về an táng thì được hỗ trợ kinh phí vận chuyển thi hài và chi phí an táng trị giá tương đương 200kg gạo tẻ loại trung bình” (khoản 3 điều 10).
Khó xác định giá “gạo tẻ loại trung bình”
Có thể thấy đối với tất cả các chi phí từ sinh hoạt đến các chi phí khác của người bị tạm giữ, tạm giam đều được “quy ra gạo” với căn cứ là “gạo tẻ loại trung bình”.
Bình luận về điều này, luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn luật sư TP.HCM – cho rằng việc dùng “gạo tẻ trung bình” để tính chế độ đối với người bị tạm giam, tạm giữ chưa thật sự hợp lý.
Khái niệm “gạo tẻ loại trung bình” sẽ phát sinh tranh cãi thế nào là loại trung bình? Cơ quan nào xác định “gạo tẻ loại trung bình” trong khi nếu quy ra tiền lương cơ sở thì dễ tính hơn rất nhiều và độ ổn định cao.
Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng quy định về chi phí mai táng đối với phạm nhân là quá thấp bởi việc quy ra tiền bằng cách tính 100 hay 200kg gạo tẻ là thấp (tương đương khoảng 1 đến hơn 2 triệu đồng).
Mặt khác, qua thời gian, giá trị đồng tiền thay đổi và chi phí cho việc mai táng hay chi phí vận chuyển cũng sẽ thay đổi nên cách tính cố định như nghị định sẽ không phù hợp.
Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng việc tính giá trị bằng “gạo tẻ thường” rất khó xác định được giá trị bằng tiền và khó cho những người thực thi công việc.
Bởi biên độ giá của gạo tẻ thường rất rộng trên thị trường: giá gạo chợ xép, giá gạo đại lý, giá gạo siêu thị, giá gạo tại vựa, giá gạo tại các thời điểm khác nhau… đều không cùng một giá.
Do đó, tính mức gạo tẻ thường theo mức nào để giải quyết các nhu yếu phẩm đối với người đang bị tạm giữ tạm giam, hay giải quyết các chế độ cho họ như vậy là không phù hợp và dễ xảy ra tiêu cực.
Các luật sư cho rằng các chế độ đối với người bị tạm giam, tạm giữ cũng nên quy định bằng khoản tiền cụ thể, có thể lấy giá trị mức lương tối thiểu để làm căn cứ sẽ dễ xác định hơn.
Nguồn: tuoitre.vn