Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước luôn quan tâm lãnh đạo công tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng; thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng đoàn Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để hội hoạt động, đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 20-10-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 52-KH/TU để thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch học tập, nghiên cứu quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đến nay, nhận thức, ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, quan điểm, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, xây dựng con người từng bước được nâng lên. Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vững lập trường chính trị, tin tưởng vào đường lối của Đảng, đoàn kết, đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, phát triển văn học, nghệ thuật. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được biểu dương. Các cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa… mang lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực, trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tác động tích cực đến việc xây dựng văn hóa, con người Bình Phước phát triển toàn diện.
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, bắt nhịp xu thế trong tình hình mới. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh – Ảnh: TL
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các loại hình tuyên truyền cổ động trực quan, chương trình văn hóa, văn nghệ; duy trì hội nghị báo cáo viên hằng tháng; giao ban báo chí hằng quý; định hướng công tác chính trị tư tưởng hoạt động văn học nghệ thuật; định hướng cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; phê phán những lệch lạc, sai trái, tiêu cực. Nhìn chung, đội ngũ văn nghệ sĩ tư tưởng ổn định, tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Định kỳ hằng năm, tỉnh tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ nhằm quan tâm, động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sĩ để chỉ đạo giải quyết.
Các cá nhân có thành tích nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 23 được tuyên dương, khen thưởng
Các cấp ủy, chính quyền đổi mới tư duy, phương pháp chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tạo, sự tìm tòi, thể nghiệm. Quyền sáng tạo của văn nghệ sĩ được bảo đảm; hoạt động sáng tác được đẩy mạnh, phát huy sáng tạo của văn nghệ sĩ đóng góp tài năng, trí tuệ thông qua các đợt vận động sáng tác hằng năm; giao lưu và thực tế sáng tác trong, ngoài tỉnh… góp phần nâng cao số lượng, chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật.
Cùng với sự phát triển của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ ngày càng phát triển, hoạt động tích cực hơn. Khi mới thành lập hội chỉ có 61 hội viên, sinh hoạt trong 5 chi hội chuyên ngành. Đến nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có 280 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội chuyên ngành, gồm: Văn học, mỹ thuật, nhạc sĩ, sân khấu, nhiếp ảnh, nghiên cứu văn nghệ dân gian, kiến trúc và đờn ca tài tử. |
Toàn tỉnh hiện có 25 câu lạc bộ (CLB) và 1 chi hội đờn ca tài tử; 850 CLB, đội nhóm văn nghệ. Thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu trong và ngoài tỉnh. Bình Phước hiện có 1 Đoàn ca múa nhạc dân tộc; 1 Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng; 1 Thư viện tỉnh; 1 Trung tâm Văn hóa tỉnh và 11 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 1 Đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 10 đội tuyên truyền lưu động cấp huyện; 6 đội chiếu phim lưu động cấp tỉnh; 13 nhà truyền thống cấp tỉnh, huyện và của các ngành; 6 CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh; 22 CLB đờn ca tài tử và hàng trăm CLB, đội, nhóm văn hóa, văn nghệ tổ chức sinh hoạt tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Từ năm 2008 đến nay, Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước đã đăng 6.930 tin, bài; chuyển thể từ phát thanh và truyền hình đăng tải trên báo in, báo điện tử khoảng 950 tin, bài tuyên truyền về văn học nghệ thuật. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hằng năm tổ chức lễ hội Nguyên tiêu kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam; tổ chức 3 cuộc triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật. Hằng năm, trung bình cấp tỉnh tổ chức 2-3 cuộc liên hoan, hội diễn; 80 buổi tuyên truyền lưu động, chiếu bóng; cấp huyện và cấp xã tổ chức trên 50 liên hoan, hội thi, hội diễn và tham gia hội thi cấp tỉnh…
Văn học, nghệ thuật thực sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là thành tố quan trọng tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội. Các hoạt động văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, sáng tạo nhiều tác phẩm mới, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thẩm mỹ đa dạng của nhân dân, môi trường văn hóa được cải thiện tích cực; bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương được gìn giữ và phát huy, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội. |
Công tác xã hội hóa trong hoạt động văn học, nghệ thuật; bảo tồn, lưu giữ và phát triển các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Một số làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một đã được khảo sát, lập kế hoạch đầu tư khôi phục. Các nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số được chế tác, sửa chữa, tổ chức biểu diễn trong các lễ, hội phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng và khách tham quan. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh hơn; sôi nổi, thiết thực, bổ ích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, việc xây dựng văn hóa, văn nghệ đã gắn kết chặt chẽ với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào, cuộc vận động lớn như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… tạo sức lan tỏa sâu rộng và hiệu quả ngày càng cao.
Theo Báo Bình Phước