Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa trí tuệ và tâm hồn của con người. Do đó, rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh và phát triển văn hóa đọc trong trường học là nhiệm vụ quan trọng giúp học sinh nâng cao hiểu biết và phát triển kỹ năng sống.

Thư viện “xanh – sạch – đẹp” ở Trường tiểu học Thanh Bình

Sách là kho tàng tri thức

Đọc sách là cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Từ đó, phát huy sự sáng tạo, chủ động đưa những kiến thức đã đọc ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc đọc sách càng trở nên dễ dàng hơn, bởi độc giả có thể đọc mọi lúc, mọi nơi với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Còn trong các trường học, thư viện lại là môi trường thân thiện, hữu ích, giúp học sinh tìm đến với sách. “Để thu hút học sinh đến thư viện, ngoài nắm bắt nhu cầu, thể loại sách các em yêu thích, chúng tôi còn bày trí kệ sách phù hợp với từng lứa tuổi, khối lớp và trang trí các cây tiểu cảnh trên bàn đọc sách để làm xanh, mát thư viện… Qua đó, tạo cho các em sự đam mê, yêu thích và tinh thần thoải mái khi đến thư viện” – thầy Nguyễn Trương Chi, giáo viên thư viện Trường tiểu học Thanh Bình, phường Hưng Chiến, TX. Bình Long cho biết.

Phát triển tư duy sáng tạo

Đọc sách không chỉ giúp học sinh làm phong phú thêm vốn từ ngữ, kiến thức mà còn giúp các em giải tỏa những căng thẳng, áp lực trong học tập. Đặc biệt, trước những thông tin lệch lạc, phiến diện tràn lan trên mạng xã hội thì việc đọc sách có chọn lọc còn giúp học sinh tiếp nhận thông tin một cách thiết thực, đa chiều. “Đọc sách giúp em biết được nhiều điều hơn về thế giới xung quanh. Ngoài tìm đọc những quyển sách nâng cao giúp ích cho việc học tập trên lớp, em còn tìm các loại sách yêu thích, phù hợp lứa tuổi thiếu nhi như sách về Bác Hồ, kỹ năng sống hay môi trường để đọc” – em Vũ Thanh Huyền, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Thanh Bình chia sẻ.

Còn em Lê Hữu Tường, học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Thanh Bình thì mỗi trang sách là một kho tàng kiến thức vô giá. Nhận thấy những giá trị từ việc đọc sách, Tường đã truyền đi thông điệp “hãy đọc sách mỗi ngày” tới các bạn cùng trang lứa để tham gia đọc sách như mình.

Trường tiểu học Thanh Bình còn hướng học sinh cách chọn lựa các đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích thông qua chủ điểm, chủ đề theo tuần và tháng. Ngoài ra, việc tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi kể chuyện theo sách… là một trong những hoạt động góp phần đưa văn hóa đọc trở thành thói quen của các em.

Trường cũng đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa đọc đối với học sinh dân tộc thiểu số. “Điểm lẻ Đông Phất của trường có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Để các em được đọc sách hay mỗi tuần, trường đều tổ chức đưa sách giới thiệu vào các ngày thứ hai đầu tuần, trong tiết sinh hoạt chào cờ và trưng bày trong tủ sách của lớp. Việc trang bị sách giúp học sinh thay đổi nhận thức về việc đọc và yêu thích đọc sách hơn” – thầy Trần Phong Phú, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Bình nói.

Năm học 2020-2021, trường được các doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh tặng 1 thư viện ước mơ gồm bàn ghế, kệ sách và 842 quyển sách về thiếu nhi. Qua đó, nâng tổng số sách trong thư viện nhà trường lên gần 6.000 đầu sách các loại. Bên cạnh các loại sách văn hóa, sách nâng cao phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, trường còn đầu tư, trang bị, mua mới thêm các loại sách khoa học, sách môi trường, kỹ năng sống…
Thầy Trần Phong Phú, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Bình

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : văn hóa đọc

Các tin liên quan đến bài viết