“Bù Đốp có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, đó là có rừng, có mặt nước đan xen. Ngoài hệ thống giao thông thông suốt thì đây là 2 yếu tố rất quan trọng, nếu chúng ta biết cách khai thác sẽ phát triển hiệu quả loại hình du lịch này” – nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp Nguyễn Văn Ách chia sẻ.

Tâm huyết với rừng

Nhờ việc hồi sinh hàng trăm hécta rừng đã tạo hệ sinh thái lòng hồ thủy điện Cần Đơn vô cùng đa dạng, nguồn thủy sản phong phú cùng với hệ thống giao thông thông suốt. Nếu du khách muốn tham quan khu vực độc đáo này có thể đi xuyên vào rừng tự nhiên, rừng bán ngập bằng đường bộ, đường thủy. Đây là những tiềm năng, lợi thế thu hút du khách dã ngoại gắn với các dịch vụ đi kèm. Và để có cảnh quan thơ mộng, hữu tình, đa dạng sinh học này không phải ngày một, ngày hai mà là tâm huyết với cách làm riêng của cán bộ, nhân viên kiểm lâm nơi đây, đặc biệt gắn liền với cá nhân ông Nguyễn Văn Ách, hay còn gọi là ông Bảy Ách.

Ông Bảy Ách cho biết, trước đây khi thủy điện Cần Đơn chưa xây dựng, khu vực này là dòng sông Bé rất nhỏ, mực nước cạn. Khi thủy điện xây dựng xong, mặt nước lòng hồ dâng cao, có nơi đến 70m với tổng diện tích khoảng 19km2. Mặt hồ dâng cao khiến khoảng 1.000 ha rừng bị nhấn chìm trong nước. Đây cũng là khu vực diện tích rừng bị thiệt hại nhiều nhất từ việc đầu tư xây dựng công trình thủy điện so với khu vực khác trong tỉnh. Ngoài ra, thời điểm bấy giờ, một số đối tượng đã trộm cắp cây rừng ven hồ, khiến diện tích rừng bị tác động, ảnh hưởng. Qua thẩm định, quan sát thực tế, diện tích trồng được rừng bán ngập, khôi phục hiện trạng ban đầu khoảng 200-300 ha, tức khoảng 20%.

Ông Nguyễn Văn Ách cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Bù Đốp thăm khu vực rừng tái sinh

Từ nhỏ vốn yêu thiên nhiên, yêu rừng cháy bỏng, nên lớn lên ông Bảy Ách theo học chuyên ngành lâm nghiệp và gắn bó cho đến khi về hưu. Từ năm 2003, khi được phân công về Bù Đốp làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, cảm nhận được rừng bị xâm hại, tác động mạnh nên mong ước của ông là làm việc gì đó để khôi phục rừng. “Thứ nhất, phải giữ bằng được diện tích còn lại; thứ hai là khôi phục một phần diện tích. Mình nghĩ nếu giữ rừng đơn thuần như cách làm truyền thống từ xa xưa thì rất khó. Bởi vậy, tôi đặt vấn đề với các cấp lãnh đạo muốn giữ được rừng thì phải phát triển du lịch sinh thái. Đó là lấy phát triển dịch vụ để quay lại giữ rừng, trang trải cho rừng, bởi chỉ có lực lượng chuyên trách thì không thể làm được nên quyết định đi theo hướng đó. Cái khó ở chỗ không phải ngày một, ngày hai là xong mà phải thực hiện dài hơi…”.

Trong quá trình vừa làm mình vừa hướng dẫn thế hệ kế cận đi theo hướng phát triển du lịch sinh thái để giữ rừng. Đời mình chưa hoàn thành thì đời các em sẽ tiếp tục làm và làm giỏi hơn mình.
Ông NGUYỄN VĂN ÁCH trải lòng

Theo ông Bảy Ách, muốn phát triển du lịch sinh thái, ngoài yếu tố điều kiện tự nhiên, môi trường, trước hết phải nghiên cứu được đối tượng đối với loại hình du lịch này. Đó là lớp trẻ, học sinh, bởi hướng phát triển du lịch giáo dục là chủ yếu, bước kế tiếp mới là du lịch thuần túy. Ông Bảy Ách cho rằng, nếu không đi qua du lịch giáo dục, mà cứ định hướng đến thưởng ngoạn môi trường, cảnh đẹp thì sẽ bị mai một, bởi sẽ không cạnh tranh được với các khu du lịch đầu tư bài bản, kinh phí lớn.

Rừng Bù Đốp có thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi

“Mong muốn các cấp lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi nhất để bảo vệ, quản lý và nâng cao hơn nữa môi trường tự nhiên hiện có, tuyệt đối không chuyển đổi, tác động vào rừng. Để phát triển hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái, chính quyền các cấp cần vào cuộc để đối tác, nhà đầu tư tham gia với mình, còn bằng nội lực thì rất chậm. Bên cạnh đó, muốn phát triển du lịch giáo dục thì ngành giáo dục cần chung tay vào cuộc, hưởng ứng, từ đó lớp trẻ, học sinh mới có điều kiện đến với môi trường rừng” – ông Bảy Ách đề xuất.

Chung tay vào cuộc

So với nhiều địa phương khác, huyện biên giới Bù Đốp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Lòng hồ thủy điện Cần Đơn, nguồn thủy sản ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều nhà bè xuất hiện kết hợp nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Hiện có hàng chục hộ kinh doanh tại đây với các dịch vụ nhà hàng, ăn uống, thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nơi đây cũng đã được UBND tỉnh quy hoạch khu du lịch sinh thái cù lao vào chương trình phát triển du lịch của tỉnh. Điều kiện đã có, vấn đề còn lại là giải pháp, cơ chế, chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư cùng vào cuộc xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở để phát triển du lịch sinh thái mang dấu ấn, màu sắc riêng. Từ đó mới có sức cạnh tranh, hấp dẫn du khách đến với Bù Đốp.

Khu vực rừng bán ngập, cây đã phát triển xanh tốt với hàng trăm hécta

“Giải pháp của huyện là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt đề án khai thác dịch vụ môi trường rừng. Từ đó làm căn cứ mời gọi các nhà đầu tư, thuê rừng để khai thác tiềm năng du lịch cù lao. Đây là vấn đề trọng tâm của huyện trong thời gian tới” – ông Nguyễn Sỹ Anh, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bù Đốp nêu giải pháp.

“Thúc đẩy thương mại, dịch vụ gắn với các điểm di tích lịch sử” là một trong những chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đốp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Qua hơn 2 năm triển khai, UBND huyện đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhựa hóa và bê tông hóa vào khu cù lao bán ngập thông suốt. Cụ thể, đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường nhựa từ ĐT759 (ngã ba thôn 6, xã Thiện Hưng) đi chốt đường sông dài 7,5km; đầu tư xây dựng tuyến ĐT759B, từ xã Phước Thiện đi rừng phòng hộ đầu nguồn dài 6,7km; nâng cấp láng nhựa đường tuần tra bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng dài 4,5km.

Hệ thống giao thông đường tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng được đầu tư nâng cấp láng nhựa

Ngoài ra, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND huyện còn ưu tiên nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông kết nối giữa các địa điểm du lịch, di tích lịch sử, liên kết với các huyện trong tỉnh, các cửa khẩu với Vương quốc Campuchia. Từ đó, nhằm khai thác hiệu quả dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch biên giới gắn với 2 khu kinh tế cửa khẩu Tân Thành và Hoàng Diệu trên địa bàn huyện.

Nhờ những tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại cây gỗ quý cùng các loại thú hoang dã, nguồn thủy sinh phong phú, đa dạng cộng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, lòng hồ thủy điện Cần Đơn ngày càng được hồi sinh mạnh mẽ. Và nếu được quan tâm thu hút đầu tư đúng mức, du lịch sinh thái Bù Đốp chắc chắn sẽ phát triển mạnh, bền vững trong tương lai không xa.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : bảo vệ rừngdu kịchsinh thái

Các tin liên quan đến bài viết