Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh, bền vững và có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo sự liên kết vùng có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, giá đất tăng cao trong thời gian gần đây, việc đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông thường gặp không ít khó khăn nên rất cần sự chung sức của người dân. Nhờ làm tốt tuyên truyền, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất có giá trị để bàn giao mặt bằng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. Từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Tại huyện Đồng Phú, thành công đầu tiên phải kể đến là con đường Phú Riềng Đỏ nối dài từ trung tâm hành chính huyện đến Khu công nghiệp (KCN) Bắc Đồng Phú bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Năm 2020, lãnh đạo huyện triển khai 5 tuyến đường kết nối từ ĐT741 đến Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Đồng Phú, tổng chiều dài của các tuyến đường trên 25km; chiều rộng mặt đường tuyến nhỏ nhất 32m, tuyến lớn nhất 65m. Các tuyến đường đi qua 618 thửa đất, tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng 109,27 ha.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho biết: Đây là chủ trương lớn của tỉnh nhằm hoàn thiện trước một bước hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, tỉnh chỉ bố trí 150 tỷ đồng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 5 dự án đường kết nối vào KCN – Dịch vụ – Dân cư Đồng Phú và KCN Nam Đồng Phú mở rộng. Trong khi đó, khái toán chi phí để thực hiện giải phóng mặt bằng và dự toán thi công, như: ban gạt, mốc gốc… đáp ứng đi lại của 5 tuyến đường là hơn 300 tỷ đồng. Trước khó khăn nêu trên, UBND huyện đã báo cáo Huyện ủy, HĐND huyện xin chủ trương thực hiện 5 dự án theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, tuyên truyền, vận động các hộ dân hưởng lợi nhiều khi tuyến đường đi qua tự nguyện hiến đất, hiến cây; chỉ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các trường hợp hưởng lợi ít hoặc không được hưởng lợi.
Bình Phước phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú
Bà Ngô Thị Thanh Chung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện cho biết: Kinh nghiệm và bài học quý báu được huyện rút ra là phải “dân vận khéo”, phải làm thật tốt công tác “dân vận chính quyền”. Ngoài công khai, minh bạch thông tin dự án ngay từ khi lập quy hoạch, thông tin đầu tư thực hiện để người dân nắm được tổng thể dự án chuẩn bị thực hiện. Tiếp đó, chúng tôi đa dạng hóa hình thức vận động như: tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân có tuyến đường đi qua. Huyện thành lập các tổ tuyên truyền đến từng hộ gia đình, cá nhân riêng lẻ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; “mưa dầm thấm lâu”; không quản mưa – nắng, ngày hay đêm, thứ bảy hay chủ nhật.
Đến nay, huyện đã vận động người dân hiến được 252/381 thửa đất, tương ứng 68,23 ha với số tiền trên 200 tỷ đồng. Trong đó có 175 thửa đã cắt cây bàn giao mặt bằng, với tổng diện tích 50,44 ha, tương ứng 12,4km. Hiện tuyến số 3 và số 4 cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Các tuyến số 1, 2 và số 5, huyện đang tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động. Song song đó là thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tái định cư cho các hộ được hưởng lợi ít.
Tại thành phố Đồng Xoài, từ năm 2017 đến nay đã vận động người dân tự giải tỏa công trình, vật kiến trúc và hiến đất làm đường 2 bên suối Đồng Tiền và suối Tầm Vông. Hiện nay, thành phố đang triển khai Dự án xử lý cấp bách thoát lũ suối Đá với tổng chiều dài trên 4km, bề rộng 40m (gồm phần kè suối rộng 10m, phần đường hai bên rộng 14m, phần vỉa hè giáp suối 9m và phần lề đất 7m). Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 130 tỷ đồng. Với phương châm người dân hiến đất, hiến cây, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay, người dân đã hiến trên 14 ha để thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Minh Bình, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài cho biết: “Đối với dự án xử lý cấp bách thoát lũ suối Đá, khi được người dân đồng thuận hiến đất, hiến cây, chúng tôi yêu cầu nhà thầu huy động tổng lực bắt tay ngay vào việc giải phóng mặt bằng. Chỉ khi chính quyền quyết tâm thực hiện dự án và dự án mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân thì họ mới tin tưởng tuyệt đối. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi khởi công, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án đã được trên 90%. Dự kiến sau 2 năm, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng”.
Hiến đất để đổi đời
Gắn bó với mảnh vườn 1,1 ha được trồng hoa màu và cây ăn trái cả chục năm nay, chưa bao giờ anh Nguyễn Xanh Trung, khu phố Tân Trà, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài dám nghĩ một ngày sẽ có đường nhựa rộng cả chục mét đi qua đây. Do vườn gần suối, mặt bằng thấp, mùa mưa đến gia đình anh lại nơm nớp lo sợ hoa màu bị ngập lụt. Thế nên, khi hay tin thành phố có chủ trương đầu tư Dự án xử lý cấp bách thoát lũ suối Đá, anh đã vui vẻ tự nguyện hiến hơn 1 sào đất cùng nhiều cây trồng có giá trị khác.
Anh Nguyễn Xanh Trung cho biết: Nhiều năm nay, thu nhập của gia đình trông chờ vào mảnh vườn. Vì vậy, khi biết dự án làm đường phải chặt bỏ hàng chục cây ăn trái và hoa màu ảnh hưởng đến thu nhập nên gia đình tôi yêu cầu phải đền bù. Nhưng được lãnh đạo phường mời lên họp để vận động hiến đất, hiến cây, hiểu được ngân sách còn hạn hẹp, nếu người dân không hiến đất thì khó thực hiện nên gia đình tôi đã quyết định hiến đất để Nhà nước thực hiện dự án. Đường lớn thì đời sống người dân chúng tôi mới khá lên được.
Cũng với suy nghĩ đơn giản, thấy đường chật hẹp, đi lại khó khăn, nhà mình ở mặt tiền thì phải làm gương cho những người ở phía trong hẻm, bà Từ Thị Mai ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành đã vui vẻ tự nguyện tháo dỡ căn nhà cấp 4 và hiến hơn 250m2 đất hai mặt tiền trị giá khoảng 3 tỷ đồng để làm đường giao thông. Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến đường huyết mạch mang tên Cao Bá Quát với chiều dài 4,5km sẽ kết nối liên thông thị trấn Chơn Thành với các xã Minh Long, Minh Hưng và Minh Thành. Bà Mai cho biết: “Ngay sau khi thị trấn có chủ trương, gia đình tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi còn trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo thị trấn yêu cầu cử cán bộ địa chính về đo đạc, cắm mốc để nhà thầu dễ dàng thi công. Chơn Thành đang chuẩn bị lên thị xã, đường có rộng thì người dân đi lại mới dễ dàng, kinh tế mới phát triển, xứng tầm với đô thị”.
Thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng hiện có 460 hộ, 2.000 người, trong đó 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, trên địa bàn thôn có 2 tuyến đường số 3 và số 4 đi qua. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng đến nay các hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến trên 1 ha đất, 200 cây điều, 500 cây cà phê để bàn giao mặt bằng cùng Nhà nước mở mới các tuyến đường giao thông.
Với suy nghĩ mình là đảng viên thì phải làm gương cho người dân trong thôn, dù còn khó khăn nhưng gia đình ông Điểu Mướt (dân tộc S’tiêng), ở thôn 1, xã Đường 10 vẫn vui vẻ tự nguyện hiến gần 1.500m2 đất và 230 cây điều, cà phê để bàn giao mặt bằng làm tuyến đường số 3, số 4 kết nối từ trung tâm hành chính đến tuyến đường liên xã Đường 10 đi Đắk Nhau. Ông Điểu Mướt cho biết, một cây điều lâu năm tính bình quân một vụ thu hoạch gần 20kg hạt. Khi cắt cây để bàn giao mặt bằng thì cây điều đang ra quả non… Tuy nhiên vì lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương nên người dân ở đây rất phấn khởi. Có đường đi qua, người dân mới có cơ hội kinh doanh, buôn bán, đời sống mới khấm khá lên được.
Ông Nguyễn Đức Chính, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Đường 10 cho biết: “Ngay sau khi có chủ trương, Ban điều hành thôn chưa cần phải tuyên truyền vận động nhiều, người dân đã đồng thuận rất cao. Chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến người dân tự giác cưa điều, cà phê mà gia đình đã gắn bó gần 20 năm nay để hiến đất làm đường. Đây là tinh thần rất đáng để học tập. Rõ ràng, người dân đã hiểu thì không cần phải tuyên truyền vận động nhiều”.
Theo Báo Bình Phước