Sau khi tách khỏi huyện Phước Long, hạ tầng giao thông của huyện Bù Gia Mập rất yếu kém, chủ yếu là đường đất. Xác định việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông là đầu tư chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bù Gia Mập rất quan tâm phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn. Sự quyết tâm ấy được thể hiện bằng việc suốt 2 nhiệm kỳ, Huyện ủy đều xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông nông thôn.
Đoạn đường mới được nâng cấp qua trung tâm xã Đắk Ơ – Ảnh: S.H
Sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển hệ thống giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2015, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2010 đến nay, huyện Bù Gia Mập đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn, gắn với việc nâng cấp các tuyến đường hiện có, góp phần tích cực tạo ra mạng lưới giao thông tương đối liên hoàn giữa các xã, thôn trên địa bàn huyện. Thời điểm này, tổng số tuyến đường huyện là 61 với chiều dài 105km. Đường liên xã có 10 tuyến với chiều dài 74km, trong đó đã đầu tư nhựa hóa 20,1km, chiếm 27,16%. Khu quy hoạch trung tâm hành chính huyện có 51 tuyến đường, dài 41km, hiện đã đầu tư nhựa hóa 9,9km, chiếm 24,16%. Tổng tuyến đường liên thôn, xóm trên địa bàn 8 xã của huyện là 324 với chiều dài 627km. Hiện đã đầu tư nhựa hóa được 108,1km, chiếm 17,24%.
Do đặc điểm của một huyện miền núi có địa hình phức tạp, đường đèo dốc nhiều, khi mưa dễ bị xói mòn, xuống cấp nhanh, những năm qua, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã đã được quan tâm sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Trên những tuyến đường giao thông cấp xã, việc đi lại vẫn hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện rất lớn, nhưng chủ yếu từ nguồn huy động sức dân, trong khi điều kiện kinh tế của người dân còn rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người của huyện Bù Gia Mập vào hàng thấp nhất tỉnh. Bên cạnh đó, ở một số xã lãnh đạo địa phương chưa thấy hết vai trò, vị trí quan trọng của giao thông nông thôn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, chưa thấy đầu tư cho giao thông là đầu tư cho phát triển mọi mặt… Vì thế chưa phát huy được nội lực của địa phương; phong trào xây dựng giao thông nông thôn nhìn chung chưa mạnh và chưa đồng đều…
Trước tình hình đó, ngày 28-4-2016, Ban Chấp hành Huyện ủy Bù Gia Mập đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về phát huy mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn giai đoạn 2015-2020. Đây là nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện Bù Gia Mập giai đoạn 2016-2020.
Quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy Bù Gia Mập coi việc xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông nông thôn là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và cải thiện môi trường sống cho nhân dân, tạo diện mạo khang trang cho khu vực nông thôn. Huyện ủy xác định việc phát triển giao thông nông thôn là sự nghiệp của nhân dân, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động tối đa mọi nguồn vốn hỗ trợ từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác. Huyện ủy cũng xác định phát triển giao thông nông thôn phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới trên từng khu vực, địa bàn theo hướng bền vững và đồng bộ với sự phát triển của các loại kết cấu hạ tầng khác, từng bước giảm sự chênh lệch giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi.
Theo đó, mục tiêu của huyện trong giai đoạn 2015-2020 là phát huy mọi nguồn lực để đầu tư cứng hóa 70% các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn 4 xã: Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Đức Hạnh, Đa Kia và 40% tuyến đường giao thông nông thôn các xã còn lại của huyện. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại 4 xã, cụ thể là tiếp tục đầu tư cho 2 xã điểm về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 là Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, hoàn thành tiêu chí giao thông trong năm 2016; đầu tư trọng điểm giai đoạn 2016-2020 ở 2 xã Đa Kia, Đức Hạnh để hoàn thành tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã hội hóa giao thông nông thôn, Huyện ủy sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của ban, ngành, đoàn thể các cấp. Huyện ủy cũng sẽ tăng cường huy động vốn từ nhiều nguồn. Cụ thể là tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh hỗ trợ; huy động tốt các nguồn xã hội hóa của nhà đầu tư, các thành phần kinh tế; lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án, huy động sức dân phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn; thực hiện đổi đất lấy cơ sở hạ tầng để đầu tư kết cấu hạ tầng đối với các quỹ đất dân cư đã được quy hoạch trên địa bàn các xã và tại khu trung tâm hành chính huyện.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn