Trong số ngành nghề và doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài được đánh giá đạt hiệu quả có các dự án phát triển cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tại Lào và Campuchia. Phát triển cao su của VRG nói riêng và của các DN Việt Nam nói chung được chính phủ 2 nước Lào, Campuchia đánh giá cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng khó khăn của các nước sở tại. Với những thuận lợi về vị trí giáp biên, đầu tư trồng cao su của VRG góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó keo sơn của 3 nước Đông Dương Việt Nam – Lào – Campuchia và là tầm nhìn chiến lược tam giác phát triển.

CHIẾN LƯỢC KINH TẾ 3 NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG

Tại hội nghị tổng kết 10 năm phát triển cao su của VRG ở Vương quốc Campuchia và tuyên dương điển hình cán bộ, công nhân viên lao động đã và đang công tác tại các dự án cao su Lào – Campuchia, diễn ra ngày 16-12-2016, tại Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính và Tổng giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận đều khẳng định: 10 năm phát triển cao su ở Campuchia và 12 năm ở Lào là tầm nhìn chiến lược của VRG, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phát huy tình đoàn kết keo sơn 3 nước Đông Dương. Đồng thời minh chứng cho đặc thù của DN cao su là gắn phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh tại vùng đặc biệt khó khăn biên giới. Cao su cũng là tầm nhìn chiến lược, mũi nhọn phát triển kinh tế của Lào, Campuchia trong đánh thức tiềm năng đất đai ở những nơi hoang vắng.

Khánh thành sân bóng chuyền Công ty Vketi thuộc Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh – Ảnh BPO

Theo ký kết hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam – Lào, năm 2004 VRG bắt đầu khảo sát trồng cao su tại Lào. Đến nay, VRG đã triển khai 7 dự án, trồng được 28.000 ha cao su tại 3 miền Bắc, Trung và Nam Lào. Hiện có 3 dự án đã khai thác (cao su Việt – Lào, Dầu Tiếng – Việt Lào và Quasa Geruco). VRG đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ công suất 13.000 tấn ở Công ty cổ phần cao su Việt – Lào; nhà máy chế biến có công suất 6.000 tấn ở Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng – Việt Lào và chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy chế biến ở Công ty cổ phần cao su Quasa Geruco. Tổng vốn đầu tư của VRG tại Lào đến nay hơn 5.000 tỷ đồng.

Tại Campuchia, VRG đang quản lý hơn 90.569 ha, trong đó cao su kiến thiết cơ bản 89.332 ha, hơn 1.236 ha kinh doanh. VRG có 15 đơn vị thành viên đang triển khai thực hiện 18 dự án. Đơn vị thành viên VRG đầu tiên mở miệng khai thác cao su tại Campuchia là Công ty TNHH phát triển cao su Tân Biên – Kompongthom năm 2015 với 271 ha, tiếp đến là Công ty Hoàng Anh Mang Yang Kampong với hơn 95 ha. Năm 2016, các đơn vị thành viên VRG đưa hơn 1.236 ha cao su vào kinh doanh. Ngoài ra, còn có 3 đơn vị tổ chức mở miệng cạo thí điểm là Đồng Nai – Kratie, Đồng Phú – Kratie và Chư Sê – Kompongthom. Tốc độ tăng trưởng sản lượng cao su khai thác mỗi năm tại Campuchia trong thời gian tới rất nhanh.

Các dự án phát triển cao su của Việt Nam (VRG, Hoàng Anh Gia Lai và một số DN khác) được chính phủ 2 nước Lào – Campuchia đánh giá có tầm nhìn chiến lược bền vững, nhằm phát huy tiềm năng đất đai của 2 nước. Theo đó, Việt Nam sẽ chủ trì xây dựng một thỏa thuận khung nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại cho khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mục tiêu trở thành một trung tâm trồng, chế biến và xuất khẩu cao su tầm cỡ thế giới.

Tháng 10-1999, theo sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, 3 nước đã thống nhất thiết lập khuôn khổ hợp tác, với một khu vực tam giác phát triển gồm 13 tỉnh khu vực biên giới của Campuchia, Lào và Việt Nam. 13 tỉnh trong khu vực tam giác phát triển gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratie (Đông Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong và Chămpasắk (Nam Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên (Việt Nam).

Hiện Việt Nam tiếp tục triển khai quy hoạch tổng thể vùng trồng và chế biến cao su tại tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và đề xuất các dự án ưu tiên thu hút vốn FDI để trồng, chế biến cao su và xuất khẩu trực tiếp cho 24 hãng ôtô hàng đầu thế giới. Đồng thời cam kết sẽ tổ chức các đoàn khảo sát và chia sẻ kinh nghiệm cho Campuchia, Lào tới các địa điểm trồng, chế biến cao su điển hình của Việt Nam.

GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT AN SINH XÃ HỘI TẠI LÀO VÀ CAMPUCHIA

Ông Võ Sỹ Lực, Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG cho biết, hiện một số dự án trồng cao su của VRG tại Lào đã cho doanh thu, có lợi nhuận nhưng chủ trương của VRG khi đầu tư tại nước bạn là không đem lợi nhuận về Việt Nam, mà dùng vào mục đích tái đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực dự án đứng chân của nước sở tại. Tại các dự án ở Lào, Campuchia, DN trực thuộc VRG đã tuyển dụng khoảng 10.000 lao động người Lào và khoảng 20.000 lao động Campuchia, chiếm hơn 95% tổng số lao động. Đặc biệt, tại huyện Khamkout, tỉnh Bolikhamxay, Lào (giáp biên Hà Tĩnh), năm 2012 Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp VRG thành lập Làng thanh niên hữu nghị biên giới Việt – Lào. Tổng kinh phí dự án 60 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 ha. Sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay dự án đã đưa vào sử dụng các hạng mục khu trung tâm.

Sau 10 năm thực hiện phát triển cao su tại Campuchia, các dự án của VRG đã có những kết quả nhất định, cao su đã góp phần thay đổi diện mạo địa phương, giúp ổn định đời sống người lao động trên nước bạn. Tính đến năm 2016, riêng VRG đã đầu tư trong các vùng dự án cao su hơn 3.000 nhà ở công nhân cùng hệ thống điện, nước sinh hoạt, xây dựng 16 công trình trạm xá và 14 trường học, gần 3.000km đường giao thông cấp phối, cầu cống phục vụ sản xuất và dân sinh vùng dự án. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực đóng góp cho chính quyền các tỉnh trong xây dựng công trình phúc lợi, giáo dục, tôn giáo phục vụ dân sinh. VRG đã ủng hộ chính quyền địa phương và tổ chức chữ thập đỏ Campuchia với hơn 3 triệu USD; hằng năm đóng góp hơn 1,4 triệu USD hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai và ủng hộ chương trình phúc lợi khác.

Phương Hà

Từ khóa : Cao suHoàng Anh Mang Yang KampongQuasa GerucoTân BiênTây NguyênVRG

Các tin liên quan đến bài viết