Già làng, trưởng ấp và người có uy tín có vai trò, vị thế quan trọng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Họ đã và đang đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, từng bước cải thiện đời sống đồng bào các DTTS.

Lộc Ninh hiện có khoảng 119.000 người, 13 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào DTTS khoảng 22.610 người, bằng 19% số dân toàn huyện (dân tộc S’tiêng và Khơme chiếm 80%). Từ bao đời nay, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện luôn đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động sản xuất. Đặc biệt vai trò của già làng, trưởng ấp, người có uy tín được phát huy hiệu quả. Họ là những người có khả năng vận dụng phong tục tập quán để giải quyết vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội; vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng dân cư thực hiện hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ông Điểu Đức – người có uy tín tại xã Lộc An làm kinh tế gia đình giỏi

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế hiện nay, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, già làng, trưởng ấp và người có uy tín đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con, cộng đồng dân cư thực hiện hiệu quả. Họ là những người gắn bó, hiểu hơn ai hết người dân trong ấp, sóc, trong gia đình, họ tộc của mình để truyền đạt một cách dễ hiểu. Họ luôn nắm bắt tường tận những khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân để phản ánh đến ngành chức năng.

Ông Lâm Búp, già làng người Khơme ở xã Lộc Khánh, luôn gương mẫu, động viên nhân dân chia ruộng đất, nhà nào có nhiều đất thì chia cho hộ thiếu đất, cha mẹ chia đất cho con cái. Từ sự vận động của ông, một gia đình trong xã Lộc Khánh đã chia 8 ha đất ruộng của mình cho các con và người dân trong sóc. Ông còn tích cực vận động đồng bào từng bước thay đổi cách làm, đưa các giống lúa mới cho năng suất cao vào gieo trồng. Nhờ đó đời sống của đồng bào Khơme Lộc Khánh có sự thay đổi rõ rệt, không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn tích lũy để tái đầu tư sản xuất.

Già làng Lâm Hớ, 68 tuổi, dân tộc Khơme, Bí thư Chi bộ ấp 4, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Hưng, được nhiều người biết đến và quý trọng. Bởi ông luôn gương mẫu trong thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên truyền đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới, giúp đồng bào nghèo cây – con giống phát triển kinh tế, tích cực làm từ thiện, đoàn kết, tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa bàn…

Bên cạnh đó, già làng Điểu Nắng luôn được người dân xã Lộc Thiện kính trọng. Ông sống chan hòa với mọi người, tuyên truyền các thành viên trong sóc không nghe theo lời kẻ xấu làm những việc vi phạm pháp luật. Đặc biệt, ông vận động con cháu và người dân trong sóc không uống rượu, bia, gây rối trật tự địa bàn; một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu.

Để phát huy vai trò của già làng, trưởng ấp, người có uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật, tiến bộ khoa học – kỹ thuật để các già làng, trưởng ấp và người có uy tín tiếp cận, vận động đồng bào DTTS thực hiện hiệu quả. Trang bị cho các già làng, trưởng ấp và người có uy tín một số kỹ năng cần thiết, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thông tin cho họ biết những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch… Từ đó, giúp họ có nhận thức đúng, đủ thông tin để tham gia, thực hiện vận động đồng bào các DTTS tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nâng cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn Báo Bình Phươc

Từ khóa : Già làngngười có uy tínngười Khơme

Các tin liên quan đến bài viết